Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
Đây là nhận định của được đưa ra trong bài viết đăng tải trên tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore số ra ngày 26/11.
Trích dẫn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tác giả bài viết cho hay lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay đạt hơn 3 tỷ USD, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm 2018, tập trung ở một số lĩnh vực cụ thể như ngành gia công chế tạo (68%), lĩnh vực đất đai, bất động sản (hơn 10%).
[Thu hút FDI - gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam]
Còn về đối tác đầu tư, đã có 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 66,82 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư).
Nhật Bản đứng thứ hai với gần 59 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc).
Đây cũng là thông tin đã được đề cập trong bài phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CEO ASEAN-Hàn Quốc.
Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đặc biệt, hồi cuối tháng 6/2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đạt được thỏa thuận và ký kết hai văn kiện hợp tác quan trọng gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Đánh giá về tỷ lệ phân phối đầu tư tại các địa phương, báo Liên hợp buổi sáng cho biết 60 tỉnh thành phố của Việt Nam được giới đầu tư nước ngoài rót vốn, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 6,82 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 5,48 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh./.