Siêu sao Hollywood Sean Penn đã xuất hiện với gương mặt nghiêm trang trong lễ tang cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez diễn ra cuối tuần trước. Ông là một trong những ngôi sao Hollywood đã tham gia tôn vinh nhà lãnh đạo Venezuela, bất chấp thái độ của chính quyền Mỹ vốn không thiện cảm với chính quyền Venezuela. Theo chân một truyền thống tự do kéo dài lâu nay ở Hollywood, Penn cùng Oliver Stone, Danny Glover và nhà sản xuất phim tài liệu Michael Moore đã lên tiếng ca ngợi nhà lãnh đạo có nhiều sức hút của Venezuela, sau khi ông qua đời trong tuần này. Đạo diễn các phim "JFK" và "Natural Born Killers," Oliver Stone, người từng phỏng vấn Chavez cho phim tài liệu "South of the Border" hồi năm 2009, đã gọi ông là "người hùng vĩ đại của đa số dân trong nước và tất cả những người đang đấu tranh trên khắp thế giới". "Dù bị thù ghét bởi việc phân chia giai cấp đã bén rễ sâu, Hugo Chavez vẫn sẽ sống mãi trong lịch sử" - ông nói trong một thông báo đưa ra sau khi Chavez qua đời - "Bạn của tôi, hãy an nghỉ nhé". Glover, một nhà hoạt động ủng hộ người Mỹ da màu và là ngôi sao trong các phim "Lethal Weapons," đã ca ngợi Hugo như "một người đấu tranh cho công bằng xã hội." "Tôi cùng hàng triệu người Venezuela, châu Mỹ Latin, vừng Caribe và những người yêu tự do trên khắp thế giới đón nhận ông như một người bênh vực một xã hội dân chủ đặt nhân dân làm trung tâm" - ông nói. Penn đã không có bình luận gì về việc dự lễ tang, nơi ông ngồi cùng nhiều quan chức nước ngoài tới viếng nhà lãnh đạo cánh tả của Venezuela.
Sean Penn (phải) có mặt ở Caracas dự lễ tang ông Hugo Chavez hôm 8/3 (Nguồn: AFP)
Nhưng trong một thông báo sau khi Chavez qua đời, ông có nói: "Nhân dân Mỹ đã mất đi một người bạn mà họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình có được. Và người nghèo trên thế giới mất đi một người bênh vực họ. Tôi mất một người bạn mà thật may mắn tôi mới có được". Sự ủng hộ của Hollywood với Chavez phù hợp với truyền thống các diễn viên biến thành các nhà hoạt động, đã có gốc rễ từ thời Charlie Chaplin đồng cảm với phong trào cánh tả, Jane Fonda tới Việt Nam năm 1972 và thời hiện đại là George Clooney, người bị bắt vì tham gia biểu tình trước Nhà Trắng phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền ở Sudan. Những hành động chính trị như thế hiển nhiên sẽ khiến các diễn viên bị rủi ro về sự nghiệp hoặc doanh thu quảng cáo, nhất là khi nó chống lại lợi ích Mỹ. "Người Mỹ về cơ bản muốn các ngôi sao của họ lên tiếng ca ngợi những gì được xem là đúng với nước Mỹ" - Steven Ross, một giáo sư ở Đại học Southern California và là chuyên gia về mối quan hệ giữa Hollywood với chính trị đánh giá - "Họ không muốn nghe Jane Fonda, Sean Penn, Oliver Stone hay Danny Glover nói cho chúng ta biết nước Mỹ có gì sai, hay các nhà lãnh đạo nước ngoài như Chavez ra sao, rằng ngoài những hạn chế, ông đã góp phần tạo ra những cải cách vì mục đích dân chủ." Ross, tác giả của cuốn "Hollywood Left and Right: How Movie Stars Shaped American Politics" (Hollywood tả và hữu: Các ngôi sao điện ảnh đã định hình chính trị Mỹ ra sao) nói rằng tùy thuộc hành động của các ngôi sao mà cái giá sự nghiệp họ phải trả khác nhau.
Đạo diễn Michael Moore là người ủng hộ cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (Nguồn: AFP)
Ông dẫn các ví dụ như Chaplin và Edward G. Robinson, nhân vật bị cáo buộc là "chống phát xít quá sớm" sau Thế chiến hai và Harry Belafonte trong những năm 1950 bị buộc tội tham gia một nhóm thiên tả. Những ngôi sao gần đây như Penn, Susan Sarandon, Tim Robbins và những người khác đã lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh Iraq 2003. "Trong trường hợp các nhóm về sau, họ đã giữ được sự nghiệp. Nhưng Chaplin và Robinson đã kết thúc sự nghiệp của họ do đã "đồng cảm với phong trào cánh tả". Nhưng dù rủi ro nhiều như vậy, một số ngôi sao Hollywood vẫn hạnh phúc khi được thể hiện quan điểm chính trị của họ, như Penn, khi phát biểu tại Caracas, đã tuyên bố ủng hộ người kế nhiệm của Chavez là Nicolas Maduro. "Venezuela và cuộc cách mạng của đất nước này sẽ kéo dài dưới sự lãnh đạo của Phó Tổng thống Maduro" - ông nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)