Từ 2014, VN sẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình

Theo giáo sư Artha Nuntachukra, từ 2014, Việt Nam sẽ chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, trước hết về công binh, quân y.
Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 vừa kết thúc, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với giáo sư Artha Nuntachukra, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phuphan, Thái Lan.

- Xin giáo sư nhận xét và đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68?

Giáo sư Artha Nuntachukra: Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được các nước thành viên quan tâm và chờ đợi. Phiên họp này diễn ra trong bối cảnh Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự Phát triển sau năm 2015 và xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Phiên thảo luận cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đã có những diễn biến phức tạp. Về hòa bình và an ninh, nổi lên là tình hình Syria, Mali, Ai Cập; trong đó tình hình Syria chia rẽ cả ở Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc.

- Trong chương trình nghị sự Phát triển của Liên hợp quốc sau năm 2015 có nội dung xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Xin giáo sư cho biết ý kiến về vấn đề này?

Giáo sư Artha Nuntachukra: 13 năm trước, các nước thành viên Liên hợp quốc, với tinh thần trách nhiệm cao, đã cùng nhất trí thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ, với các mục tiêu cụ thể (MDG) hướng đến một thế giới tươi đẹp hơn cho nhân dân toàn thế giới.

Tôi cho rằng xóa đói nghèo cần phải được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, gắn kết chặt chẽ và là một nội dung được lồng ghép trong các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội khác, trong đó cần chú trọng vấn đề tạo việc làm, phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế…

- Giáo sư nhận xét gì về Chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam?

Giáo sư Artha Nuntachukra: Cùng tham gia vào nỗ lực chung của toàn cầu, Việt Nam được Liên hợp quốc và các đối tác phát triển ghi nhận là một trong những quốc gia thành công hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Theo thống kê, Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% các chỉ tiêu, đạt hoặc vượt nhiều Mục tiêu, chỉ tiêu như xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế-sức khỏe, bình đẳng giới. Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam cùng với 37 nước khác đã được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) trao giải thưởng hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo..

Hiện tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống chỉ còn 10,7% năm 2010. Tôi cho rằng, thành công này trước hết là nhờ Việt Nam đã nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, đẩy mạnh cải cách, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và trong mọi hoàn cảnh, dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng Việt Nam luôn ưu tiên dành nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo..

Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đang tích cực thực hiện Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, trong đó đặc biệt chú trọng đến tạo việc làm bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng, với phương châm thúc đẩy phát triển bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

- Xu thế hội nhập và hợp tác toàn cầu như hiện nay vẫn chứa đựng những yếu tố bất ổn và khác biệt. Vậy giáo sư có nhận xét gì về nhận thức và trách nhiệm của Việt Nam tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Liên hợp quốc?.

Giáo sư Artha Nuntachukra: Được sự tín nhiệm và hỗ trợ, hợp tác của các nước thành viên, Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008-2009. Hiện nay, Việt Nam lần đầu tiên ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.

Để thể hiện ý thức và vai trò của một thành viên có trách nhiệm về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, từ năm 2014, Việt Nam sẽ chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều kinh nghiệm như công binh, quân y.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên 3 trụ cột về Chính trị-an ninh, Kinh tế và Văn hóa-xã hội, góp phần làm cho khu vực Đông Nam Á trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác.

- Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển nhanh chóng. Xin Ngài cho biết ý kiến của Ngài về những lĩnh vực nào đạt được nhiều tiến triển nhất và lĩnh vực nào hai nước cần phát triển trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở mỗi nước?.

Giáo sư Artha Nuntachukra: Quan hệ hữu nghị và hợp tác Thái Lan-Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đã đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, cho hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.

Để hỗ trợ cho Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở mỗi nước, tôi cho rằng chúng ta phải tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn và xứng tầm với tiềm năng và điều kiện thực tế của mỗi nước. Thái Lan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử cũng như có nhiều thế mạnh có thể hợp tác phát triển..

Tôi hy vọng trong những năm tới mối quan hệ hai nước sẽ được nâng lên tầm cao mới và mang lại hiệu quả và lợi ích lớn hơn nữa cho nhân dân hai nước nói riêng, khu vực ASEAN và thế giới nói chung..

Xin cảm ơn Giáo sư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục