Từ lùm xùm Trường Quốc tế AISVN, lộ lỗ hổng quản lý trường tư

Theo các chuyên gia, vụ việc Trường Quốc tế Mỹ cho thấy vẫn có những lỗ hổng trong quản lý loại hình trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường có yếu tố nước ngoài.

Cơ sở vật chất của Trường Quốc tế Mỹ. (Nguồn: AISVN)
Cơ sở vật chất của Trường Quốc tế Mỹ. (Nguồn: AISVN)

Theo các chuyên gia, vụ việc hơn 1.200 học sinh Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) ở Thành phố Hồ Chí Minh phải gián đoạn việc học vì trường nợ lương, giáo viên đình công đã cho thấy lỗ hổng pháp lý trong quản lý loại hình cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng như các quy định về vấn đề đầu tư, khả năng tài chính của loại hình trường này.

Trường quốc tế Mỹ được thành lập từ năm 2006, mức học phí cho mỗi năm học từ bậc sơ cấp cho tới lớp 12 vào khoảng từ 280 đến 725 triệu đồng và là một trong những trường cấp phổ thông có mức học phí đắt đỏ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường huy động vốn từ chính các phụ huynh có con đang theo học tại trường. Theo đó, trường không trả lãi suất tiền mặt mà trả bằng học phí khi phụ huynh cho con theo học tại trường. Khi kết thúc thời gian học, trường sẽ trả lại tiền đầu tư gốc cho phụ huynh. Mức đầu tư của các phụ huynh từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Trước đó, tháng 10/2023, nhiều phụ huynh đã tập trung trước cổng trường yêu cầu được thanh toán tiền gốc khi con ra trường nhưng trường không thanh toán theo hợp đồng vay vốn.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, với một cơ sở giáo dục ngoài công lập, yếu tố đầu tiên là phải đảm bảo nguồn lực tài chính nhất định để duy trì hoạt động, không thể mở trường, đặc biệt là trường quốc tế nhưng lại phải phụ thuộc vào nguồn đóng góp từ phụ huynh.

“Việc phụ huynh đóng học phí cho con là đúng nhưng phụ huynh đầu tư có đúng không và coi phụ huynh là nhà đầu tư với các cơ sở giáo dục ngoài công lập có đúng không, vấn đề đó chúng ta phải có câu trả lời,” bà Hoa nói.

Cũng theo bà Hoa, việc trường phụ thuộc vào một nguồn đóng góp không ổn định thì trách nhiệm của nhà đầu tư đến đâu, những quy định này cần phải được làm rõ hơn, có hành lang pháp lý đầy đủ hơn.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động của trường, với vai trò quản lý, cơ quan quản lý Nhà nước là phải thường xuyên thanh tra kiểm tra giám sát để các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải thực hiện các điều kiện như công khai minh bạch những thông tin về hoạt động giáo dục, về chất lượng cũng như vấn đề học phí.

truong-quoc-te-my-1284.jpg.jpg
Học sinh phải nghỉ học vì giáo viên nghỉ dạy. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Cùng quan điểm này, Phó giáo sư Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng từ vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam cho thấy tất cả các dự án cần phải được đánh giá định kỳ và có quy trình để có thể trao đổi đối thoại một cách minh bạch hơn với chủ đầu tư, những người góp vốn và các cơ quan chức năng, từ đó có thể ngăn ngừa nguy cơ.

“Thậm chí, có thể bắt buộc mỗi hệ thống giáo dục phải có quỹ dự phòng để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động trong nhà trường. Luật có kẽ hở do thực tế diễn ra rất đa dạng và vì vậy những sự việc như thế này sẽ là chất liệu để các nhà làm luật nghiên cứu các cơ chế quản lý chặt chẽ và toàn diện hơn,” Phó giáo sư Trần Thành Nam nhận định.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 4.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập với nhiều mức học phí khác nhau, trong đó có trường quốc tế. Dù học phí lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhưng hệ thống trường quốc tế vẫn thu hút được nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế lựa chọn đề đầu tư cho con.

Chị Nguyễn Quỳnh Hương, phụ huynh một trường quốc tế trên địa bàn thành phố Hà Nội cho hay, chương trình học chuẩn quốc tế, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, môi trường giáo dục đa quốc tịch là những lợi thế riêng của trường quốc tế.

“Dù con mới học một năm nhưng tôi đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt khi con năng động, tự tin, tự lập, khả năng ngoại ngữ cải thiện rõ rệt và vốn sống cũng phong phú hơn các bạn cùng trang lứa. Điều này là tiền đề tốt cho định hướng du học sau này của gia đình,” chị Hương chia sẻ.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực xã hội đồng thời tạo ra môi trường giáo dục đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ở nhiều mức độ khác nhau của các phụ huynh bên cạnh hệ thống giáo dục công lập.

Tuy nhiên, từ vụ Trường Quốc tế Mỹ đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện các dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và nghị định số 46/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có giải pháp tăng cường quản lý các loại hình trường có yếu tố nước ngoài đang thực hiện việc liên danh, liên kết và triển khai các chương trình tích hợp, chương trình quốc tế, chương trình liên kết với nước ngoài.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện rà soát, kiểm tra các trường có yếu tố nước ngoài trên toàn quốc đang giảng dạy chương trình tích hợp, chương trình quốc tế, chương trình liên kết với nước ngoài để kịp phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm nếu có.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà theo dõi, chỉ đạo xử lý dứt điểm vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục