Ngày 22/8, các cuộc họp của Nhóm công tác APEC về Chính sách An ninh lương thực (PPFS) và nhóm Đại dương và Nghề cá (OFWG) tiếp tục làm việc.
Nhóm công tác OFWG tiếp tục nghe trình bày, thảo luận các nội dung về kết quả, tiến độ, kế hoạch các dự án phù hợp với các chính sách phát triển ưu tiên của mình và thảo luận về nội dung của dự thảo Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu đã thống nhất cao ủng hộ việc ra Tuyên bố Cần Thơ và thảo luận một số nội dung cần bổ sung vào dự thảo Tuyên bố.
Nhóm cũng dành thời gian thảo luận vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhấn mạnh mục tiêu phục vụ an ninh lương thực, đảm bảo sinh kế cho người dân, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản.
Nhóm công tác PPFS đã thảo luận về những vấn đề nảy sinh và các giải pháp cho phát triển nông nghiệp và thủy sản bền vững, thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cho an ninh lương thực và tăng cường thương mại và thị trường.
Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đã có chia sẻ thông tin về khả năng chống chịu và nông nghiệp bền vững. Các đại biểu của Nhóm cũng tích cực thảo luận về dự thảo Tuyên bố Cần Thơ. Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau sẽ được các đại biểu thống nhất thảo luận trong phiên họp hỗn hợp với các Nhóm công tác sẽ diễn ra vào ngày 23/8.
Kế hoạch hành động nhiều năm (MYAP) về An ninh lương thực và biến đổi khí hậu 2018-2020 đã được thông qua sẽ thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về An ninh lương thực và biến đổi khí hậu, thực hiện Lộ trình an ninh lương thực và Mục tiêu Bogor 2020.
Ngoài ra, MYAP sẽ thúc đẩy tăng cường phối hợp trong khu vực trong việc giải quyết các thách thức liên quan chặt chẽ đến an ninh lương thực, phát triển, thích ứng biến đổi khí hậu và tiết kiệm lương thực.
[Khai mạc Triển lãm APEC về lương thực, công nghệ trong nông nghiệp]
Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn-đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng (AP) đã được thông qua với mục tiêu tăng cường kiến thức, thông tin, và chia sẻ kinh nghiệm về các thực hành tốt và các bài học kinh nghiệm; sử dụng cơ cấu APEC hiện tại để cung cấp phương tiện cho các nền kinh tế APEC chia sẻ kinh nghiệm tốt hơn và thúc đẩy hợp tác kinh tế để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng; Nâng cao năng lực của các nền kinh tế APEC nhằm giải quyết các mối liên kết giữa nông thôn và thành thị, nhằm cải thiện an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.
Kế hoạch AP kêu gọi các thành viên phát triển các hoạt động dựa trên các chiến lược được nêu trong Khung chiến lược trên cơ sở tự nguyện, và các nền kinh tế thành viên có quyền quyết định thực hiện tất cả hoặc một số hoạt động tùy thuộc vào điều kiện phát triển của mình.
AP hướng tới giải quyết các thách thức liên quan đến phát triển nông thôn-đô thị và an ninh lương thực thông qua theo đuổi đồng thời bốn chủ đề, đã được xác định trong Khung chiến lược, gồm phát triển kinh tế hợp nhất; quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; khía cạnh xã hội; hiệu quả hành chính./.