Tương lai của đồng USD kém sáng sủa

Giới đầu tư lo ngại rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ tính đến chuyện phát hành thêm tiền, làm "ngập" thị trường bằng đồng USD.

Báo mạng TIME.com ngày 2/7 đăng bài phân tích về tương lai khá ảm đạm của đồng USD. Số liệu trong bài viết trên cho thấy, từ đầu tháng 3 năm nay, giá trị đồng USD đã giảm 11% so với đồng euro và 17% so với đồng bảng Anh.

 

Nguyên nhân được nêu ra là trước đây, trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng trầm trọng nhất, các nhà đầu tư coi việc đầu tư vào đồng USD là an toàn, song nay họ chuyển hướng sang những khoản đầu tư mạo hiểm hơn.

 

Một vấn đề khác cũng đang đè nặng lên đồng USD. Giới đầu tư lo ngại rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tính đến chuyện phát hành thêm tiền, làm "ngập" thị trường bằng đồng USD, nhằm bù đắp khoản thâm hụt trong tài khóa này được dự đoán lên tới 1.850 tỷ USD – tương ứng với 13% GDP của nước Mỹ.

Đáng lưu ý, đây là mức thâm hụt lớn nhất từ Chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Mặc dù, ngày 24/6, FED tuyên bố không có kế hoạch mở rộng việc mua trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu cầm cố ngoài khoản 1.200 tỷ USD đã chi trong tháng 3, không phải tất cả mọi người đều bị thuyết phục bởi tuyên bố này.

Hơn nữa, đồng USD đang phải đối mặt với những thách thức về lâu dài. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong bản báo cáo cân đối tài chính hàng năm công bố ngày 26/6 vừa qua, đã ủng hộ việc tìm một đồng tiền dự trữ mới cho toàn cầu.

Động thái này được đưa ra sau lời kêu gọi của ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc ngân hàng này, về một đồng tiền dự trữ thay thế đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ thâm hụt ngày càng lớn.

Mối quan ngại ngày càng gia tăng về việc đồng USD mất vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu, và kiến nghị tìm kiếm một đồng tiền "siêu hiệu nghiệm" là "cú huých" đẩy đồng USD tới chỗ phải đối mặt với một loạt đồng tiền chủ yếu khác.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là với 64% dự trữ tiền tệ của thế giới là bằng đồng USD tính đến cuối năm ngoái - nhiều hơn bất kỳ đồng tiền nào khác - việc chuyển sang một đồng tiền dự trữ mới có thể giải quyết được vấn đề song cũng có thể khiến tình hình thêm phức tạp.

Do Trung Quốc sở hữu quá nhiều đồng đôla - với khoảng 2/3 trong số 2.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là bằng đồng tiền Mỹ - chỉ cần bán một phần nhỏ trong khoản dự trữ của họ cũng có thể làm "sứt mẻ" giá trị số tiền còn lại. Và, đang tồn tại một mối lo lớn hơn tại Trung Quốc: giá đồng USD càng giảm thì ống tiền tiết kiệm của người Trung Quốc lại càng vơi đi.

Thêm vào đó, lý lẽ về sự cần thiết phải tìm một đồng tiền dự trữ quốc tế mới không tác động nhiều tới mối quan tâm vốn vẫn được dành cho đồng USD. Chính vì vậy, hồi tháng 5, các nhà phân tích của Ngân hàng Hongkong và Thượng Hải (HSBC) cho rằng ý kiến về một đồng tiền dự trữ mới có thể là một "đề xuất không được tán thưởng".

Mặc dù vậy, "vị trí tiên quyết của đồng USD như là đồng tiền dự trữ của toàn thế giới không có nghĩa là nó (đồng đôla) sẽ giữ vững được giá trị của mình".

Bài báo trích lời ông Simon Derrick, trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ của Ngân hàng New York Mellon tại London (Anh), nói rằng trước mối lo ngại về mức thâm hụt khổng lồ của nền kinh tế Mỹ cũng như vị thế đang lung lay của đồng USD, và sự hấp dẫn ngày càng tăng của các đồng tiền khác đối với các nhà đầu tư, "dường như đồng USD sẽ vẫn phải tồn tại trong tình trạng khó khăn".

Có chung quan điểm với ông Derrick, Ngân hàng HSBC cũng đang chuẩn bị đối phó với một đợt sụt giảm mới về giá trị của đồng USD trong những tháng sắp tới./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục