Ngày 17/9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bộ trưởng Vương Văn Đào đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O'Connor, cũng là quốc gia lưu chiểu hiệp định này.
Động thái này rất nhanh chóng được giới truyền thông Trung Quốc và phương Tây truyền đi khắp nơi với tiêu đề “Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.”
Xét từ bản thân sự kiện, cách nói “Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP” là hợp lý. Tuy nhiên, xét về mặt cơ chế, sự kiện này bao gồm hai phương diện; đó là nước xin gia nhập thông báo bằng văn bản cho nước lưu chiểu hiệp định và nước lưu chiểu hiệp định chuyển thông báo này đến các nước thành viên ký kết khác.
Điều này có nghĩa là việc nộp đơn xin gia nhập CPTPP không chỉ là bước ban hành văn bản chính thức của Trung Quốc, mà còn bao gồm việc New Zealand thông báo cho 10 nước thành viên CPTPP khác, sau đó triệu tập hội nghị để thảo luận về việc liệu có khởi động một bước khác cho trình tự Trung Quốc gia nhập CPTPP hay không.
Cùng với việc New Zealand bắt đầu khởi động cho sự gia nhập của Trung Quốc, phản ứng của các nước thành viên CPTPP cũng nhanh chóng trở nên nổi bật.
Xét về cục diện chính trị, kinh tế hiện nay, giới bên ngoài có thể nhanh chóng phát hiện rằng cùng với việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP, 11 nước thành viên ký kết của hiệp định này sẽ nhanh chóng chia thành ba nhóm, đồng thời sẽ tranh cãi gay gắt trong cuộc thảo luận sắp tới.
[Triển vọng về việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định CPTPP]
Nhóm thứ nhất bao gồm các nước ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP là New Zealand, Peru, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Sau khi nâng cấp hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào tháng 1/2021, New Zealand cam kết Trung Quốc sẽ được hưởng chế độ thẩm tra đầu tư với mức tự do cao như các nước thành viên CPTPP, trong khi Peru và Chile cũng có hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thậm chí hai nước này còn là những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên trên thế giới công nhận địa vị kinh tế thị trường đầy đủ của Trung Quốc.
Trong khi đó, bản thân bốn nước Đông Nam Á cũng đã được hưởng lợi từ các cơ chế hợp tác như ASEAN+3 giữa khu vực ASEAN và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong đó, Singapore - nước thúc đẩy mạnh mẽ Khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) - đã công khai ủng hộ Trung Quốc gia nhập CPTPP vào ngày 13/9.
Nhóm thứ hai là những nước có sự do dự đối với việc Trung Quốc gia nhập CPTPP, bao gồm Nhật Bản và Australia.
Xét về vị thế dẫn dắt CPTPP của Nhật Bản, nước này lo lắng sau khi Trung Quốc gia nhập sẽ dẫn đến cuộc đọ sức về quyền lãnh đạo trong nội bộ CPTPP trong tương lai. Tuy nhiên, Nhật Bản lại muốn Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa, do đó dưới góc độ kinh tế, Nhật Bản có thể sẽ tán thành việc gia nhập của Trung Quốc.
Gần đây, mặc dù vì một số yếu tố chính trị nên chính quyền Thủ tướng Australia Scott Morrison lựa chọn phương án xích lại gần Mỹ và cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Australia.
Cùng với việc cuộc bầu cử năm 2022 sắp đến gần, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison nhiều khả năng có sự thay đổi. Trong bối cảnh đó, Canberra có thể điều chỉnh thái độ dựa trên những yếu tố kinh tế mới trong thời gian tới.
Nhóm thứ ba là những nước phản đối Trung Quốc gia nhập CPTPP, bao gồm Canada và Mexico. Đây là hai nước đứng về phía Mỹ dựa trên khoản 10 điều 32 của “Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada” (USMCA), được ký kết lại dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo điều khoản này, nếu bất kỳ một trong ba nước Mỹ, Mexico và Canada ký hiệp định thương mại tự do với một “quốc gia có nền kinh tế phi thị trường” do Mỹ xác định, thì các đối tác của USMCA có quyền rút khỏi hiệp định sau sáu tháng, đồng thời thay thế bằng hiệp định song phương mới.
Cân nhắc đến việc kim ngạch thương mại mang đến từ USMCA chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada và 40% GDP, trong khi chỉ chiếm khoảng 5% của Mỹ, cục diện mất cân bằng một cách cực đoan này đã buộc hai nước bị phụ thuộc vào Mỹ.
Nhìn từ góc độ này, do việc gia nhập CPTPP đòi hỏi sự ủng hộ của tất cả các thành viên, nên tiến trình gia nhập CPTPP của Trung Quốc được cho là sẽ tương đối gập ghềnh, Bắc Kinh có thể phải đàm phán sâu với các nước như Mexico, Canada… để xóa bỏ các rào cản về quy tắc và thể chế do Mỹ thiết lập.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phải khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và song phương đã ký với 11 nước thành viên CPTPP hiện nay, đồng thời thiết lập môi trường đối thoại tích cực hơn.
Xét đến việc hiện nay các cơ quan lập pháp của Chile, Malaysia và Brunei vẫn chưa phê chuẩn CPTPP, ngoài ra còn có 5 nước khác bao gồm Hàn Quốc cũng đang tìm cách gia nhập CPTPP. Điều này sẽ giúp cho Bắc Kinh tìm được đối tác cùng tiến cùng lùi.
Tuy nhiên, bất kể dù Trung Quốc có tham gia CPTPP hay không, giới quan sát có thể nhận ra rằng tiền thân của CPTPP từng được Mỹ thúc đẩy để “bao vây” Trung Quốc, nhưng sau đó dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản lại xuất hiện những mâu thuẫn rõ ràng.
Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP có lẽ sẽ trở thành một chủ đề không thể bỏ qua và gây tranh cãi trong một thời gian dài đối với tổ chức này. Cùng với RCEP sắp được khởi động, sự lựa chọn hai chiều giữa Trung Quốc và CPTPP có thể sẽ mang lại hiệu quả ngoài mong đợi trong năm 2022./.