Lập công giữa thời bình

Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Vị tướng vì môi trường

Ra khỏi cuộc chiến với kẻ thù, ám ảnh về chất độc da cam, Tướng Hiệu lại âm thầm lập công thời bình trong “cuộc chiến” vì môi trường.
Sinh ra ở vùng biển Hải Hậu (Nam Định), nhưng thời trai trẻ của thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại gắn bó với chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Những năm tháng chiến đấu ở vùng đất ấy, chàng trai trẻ Nguyễn Huy Hiệu đã cảm nhận từng ngày sự khốc liệt của chiến tranh qua những mất mát, hy sinh của đồng đội, đồng bào.

Từ ký ức chiến tranh


Những ngày hành quân qua những khu rừng trơ trụi lá, khiến ông hiểu ra rằng, chất độc dioxin mà kẻ thù đã gieo rắc trong chiến tranh sẽ hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống, sẽ biến nhiều vùng đất màu mỡ, tươi tốt thành những vùng đất chết…

Chiến tranh đã qua đi mà chất độc dioxin vẫn hiện diện trong đất, vẫn hàng ngày tàn phá cuộc sống của người dân Quảng Trị. Nó hiện diện trong nỗi đau thân thể và tinh thần của những đồng đội đã từng sát cánh chiến đấu cùng tướng Hiệu trong những trận đánh lịch sử của dân tộc. Chất độc dioxin vẫn hiện diện trong những hình hài không trọn vẹn của những đứa trẻ được sinh ra sau chiến tranh…

Ngay từ những tháng ngày mưa bom, bão đạn ấy, Nguyễn Huy Hiệu đã nhận thức sâu sắc về “nỗi đau” của môi trường và ông đã nuôi tâm nguyện, phải làm gì đó để cải tạo môi trường sống cho người dân. Ý thức “chiến đấu” để bảo vệ môi trường của ông vẫn được hun đúc tiếp tục trong thời bình.

Bởi ông nhận thấy, môi trường sống của đất nước sau khi bị tàn phá trong chiến tranh vẫn tiếp tục bị tàn phá trong thời bình. Sự lạc hậu về kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương du nhập các công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cùng với đó, các hóa chất độc hại, các thực phẩm không được kiểm định chất lượng cùng với sự kém hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường dẫn đến hiện trạng môi trường sống của nước ta bị hủy hoại đến mức báo động.

Rừng đầu nguồn bị chặt phá, cua, rắn, ếch được đem đi xuất khẩu với giá khá cao so với mức thu nhập của người nông dân nhưng đó lại là một tiềm ẩn nguy cơ hiện hữu, một sự mất cân bằng sinh thái dẫn đến sâu bệnh sinh sôi nảy nở và việc sử dụng thuốc trừ sâu kém chất lượng đã dẫn tới ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo. Khi môi trường sống bị hủy hoại, số lượng người chết vì ung thư tăng cao…

Đến hành động vì môi trường


Những ám ảnh về sự sống của con người đang bị hủy hoại khiến Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn nung nấu trong mình một tâm nguyện, phải hành động để cứu môi trường sống, phải giúp người dân thoát khỏi những cái chết oan nghiệt trong thời bình. Vậy là, bước ra khỏi cuộc chiến tranh với kẻ thù, ông lại tiếp tục “cuộc chiến” để bảo vệ môi trường.

Bởi thế, khi còn ở cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban phối hợp Việt – Nga, ông đã định hướng một trong những nội dung công tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Liên bang Nga là về  lĩnh vực môi trường, giải quyết vấn đề nhiễm chất độc dioxin như ở sân bay Đà Nẵng, Phù Cát.

Tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trăn trở nhiều khi chứng kiến những người dân, những trẻ em ở Quảng Trị ngay trong thời bình vẫn bị cướp đi mạng sống và bị thương tật vì những quả bom, mìn vẫn còn rải rác trên những mảnh đất là chiến trường xưa, ông đã tích cực kêu gọi các nước, các tổ chức xã hội tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà soát phá hủy bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Đặc biệt, chứng kiến sự tàn phá của chất độc dioxin ở những vùng đất chiến trường xưa, tướng Hiệu lại quyết tâm góp sức “làm xanh” những vùng đất chết. Từ ý tưởng đó, ông đã “bắt tay” vào sự nghiệp “xanh hóa” những mảnh đất từng là chiến trường xưa. Ông tâm sự: “Với tôi, trồng cây như một sự tri ân với đồng đội, với những mảnh đất đã một thời nhuốm máu của đồng đội”.

Hiện nay, tại Thành đội Quảng trị, cây đa mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trồng năm 1977 (sau chuyến thăm Ấn Độ và được Thủ tướng Ấn Độ Gandhi tặng) đã lên xanh tốt. 34 năm trôi qua, cây đa nay đã to gần 3 người ôm, trở thành biểu tượng về sự phát triển bền vững của một mảnh đất hồi sinh từ trong máu lửa.

Năm 2003, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trở lại thăm Ấn Độ lần thứ 2 và được các nhà sư ở chùa Bosgaya tặng ông 3 cây bồ đề. Ông đưa những cây bồ đề ấy về trồng tại những nơi linh thiêng để tri ân đồng chí, đồng bào; trong đó một cây ông trồng ở Nghĩa trang Quốc gia đường 9, vùng đất của máu lửa chiến tranh; một cây ông trồng tại Nghĩa trang xã Hải Long quê nhà.

Đến nay, ông đã tự tay trồng được 367 cây các loại, chủ yếu là cây đa và cây bồ đề ở các nơi linh thiêng từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, hầu hết các đơn vị trong toàn quân. Đặc biệt trong chiến dịch màu xanh đồng bằng ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa), ông đã phát động trồng 600 ha cây lấy gỗ và cây ăn quả từ những năm 1980 khi là đại tá đại đoàn trưởng Đại đoàn Đồng bằng.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã từng vào sinh ra tử chiến đấu ở khắp các chiến trường, là người đã từng tham gia 67 trận đánh, có mặt ở những trận đánh ác liệt nhất ở các chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh, Nam Lào…

Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, người thân trong gia đình còn thêm lo lắng cho sức khỏe của ông nên đã muốn ông được nghỉ ngơi tuổi già. Nhưng, dù sống trong thời bình, ông vẫn đau đáu với cuộc chiến đấu mới, chiến đấu vì môi trường. Bởi, ông muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, muốn tri ân sự hy sinh, mất mát của những người đồng đội đã hy sinh cho đất nước./.
                                
Duy Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục