TUV Rheinland vận hành phòng thử nghiệm triệu USD ở Việt Nam

Phòng thử nghiệm tương thích điện từ của doanh nghiệp đến từ nước Đức sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm định các sản phẩm công nghệ trước khi xuất khẩu, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
TUV Rheinland vận hành phòng thử nghiệm triệu USD ở Việt Nam ảnh 1Ngoài Việt Nam, TUV Rheinland có 8 EMC tại các quốc gia trên thế giới. (Ảnh: TUV Rheinland)

Phòng thử nghiệm tương thích điện từ (EMC) của Công ty TUV Rheinland Việt Nam tại Khu Công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) sẽ thử nghiệm phát nhiễu bức xạ, miễn nhiễm nhiễu và sóng vô tuyến cũng như giúp đánh giá phù hợp tương thích điện từ cho nhiều thiết bị điện, điện tử.

Tại lễ khánh thành EMC ngày 1/3, đại diện TUV Rheinland cho hay, tổng diện tích sàn của EMC 1.000m2, gồm phòng thử nghiệm hấp thụ 10m, phòng bảo vệ và chắn sóng điện từ, phòng miễn nhiễm xung điện…

EMC có thể kiểm định các sản phẩm công nghệ thông tin như máy in, fax, photocopy; điện gia dụng; thiết bị phòng thí nghiệm; y tế và công nghiệp; thiết bị vô tuyến (wifi, Bluetooth…) theo yêu cầu của các tiêu chuẩn như TCVN, CE, Industry Canada, VCCI…

Ông Ralf Scheller, đại diện lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn TUV Rheinland cho hay, việc ra mắt phòng thử nghiệm với các trang thiết bị hiện đại khẳng định cam kết trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp của Việt Nam.

Cung cấp dịch vụ kiểm thử theo nhiều tiêu chuẩn của EU, Mỹ… EMC có ý nghĩa lớn với nhiều công ty đang chuẩn bị cung cấp sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho thị trường thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp nàysẽ rút ngắn thời gian và chi phí không phải gửi sản phẩm ra nước ngoài thử nghiệm, kiểm định như trước đây.

TUV Rheinland vận hành phòng thử nghiệm triệu USD ở Việt Nam ảnh 2Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: offshorewind.biz)

Không cho biết số tiền cụ thể đầu tư EMC, song ông Frank Michael Juettner, Tổng Giám đốc TUV Rheinland Việt Nam nói rằng khoản đầu tư vào đây “trị giá vài triệu USD.” Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất tại ASEAN về hệ thống phòng thử nghiệm của TUV Rheinland.

Đơn vị này cũng đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên bởi nơi đây có chính trị ổn định, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện giúp thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của những công ty công nghệ hàng đầu thế giới từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Được thành lập tại Đức vào năm 1872, TUV Rheinland hiện hoạt động tại 69 quốc gia với khoảng 500 văn phòng, hơn 19.320 nhân viên. TUV Rheinland Việt Nam được thành lập năm 2001, cung cấp dịch vụ thử nghiệm an toàn và chứng nhận linh kiện, phương tiện giao thông, các hệ thống quản lý, dịch vụ thử nghiệm cho sản phẩm giày dép, quần áo…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục