Nhận lời tham gia chuyến hành trình tới Istanbul, thực sự chúng tôi hình dung ra những hình ảnh liên quan đến một nền văn hóa đa dạng nhiều hơn là công nghệ. Nhờ vị trí chiến lược ở điểm giao cắt giữa châu Á và châu Âu, bản đảo Anatolia - chiếm đa phần diện tích của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay - từng là cái nôi của nhiều nền văn minh từ thời tiền sử. Và nói đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nói đến một Đế chế Ottoman hùng mạnh từng chiếm cả Anatolia, Bắc Phi, Trung Đông, đông nam và Đông Âu cũng như vùng Kavkaz.
Thổ Nhĩ Kỳ như một cây cầu giữa Châu Âu và Châu Á, thậm chí thành phố Istanbul lớn nhất quốc gia này với khoảng 14 triệu dân gồm hai phần nằm trên hai châu lục. Người hướng dẫn cho chúng tôi nói rằng nhà anh ở bên phần Châu Á, ngày ngày anh qua làm việc ở phía Châu Âu, đi đi lại lại giữa hai châu cứ đơn giản như vậy.
Ý tưởng về một đường hầm dưới nước qua Eo biển Bosphorus nối liền hai khu vực của Istanbul được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1860 dưới triều đại của Quốc vương (Sultan) Abdulmecid. Một bản thiết kế sơ bộ được triển khai, theo đó sẽ có một đường ống ngầm xuyên biển được đặt trên hai trụ đỡ.
Những ý tưởng tương tự cũng được nêu lên thời gian sau đó, và vào năm 1902, dưới thời Quốc vương Il Abdulhamit, các chuyên gia lại vẽ nên một thiết kế giống bản đầu tiên về một đường ống chạy qua Eo biển Bosphorus. Lần này có tới 16 cái trụ cắm xuống đáy biển. Tuy nhiên, kỹ thuật lúc đó không cho phép xây dựng một kết cấu như vậy.
Song, nỗi trăn trở về việc kết nối hai khu vực của Istanbul bằng một đường ngầm dưới biển chưa bao giờ giảm đi, và rồi nghiên cứu khả thi đầu tiên đã được triển khai vào năm 1985. Nó được chỉnh sửa một lần vào năm 1997.
[Video] Dự án Mamaray kết nối hai lục địa Á-Âu dưới biển
Công trình được chính thức bắt đầu vào năm 2004 nhưng bị trì hoãn vài năm vì khi đào lên, người ta phát hiện thấy nhiều di chỉ khảo cổ. Những di chỉ này cho thấy Istanbul có lịch sử tới 8.500 năm và từng là một trong những thành phố quan trọng nhất thế giới.
Cuối tháng 10/2013, tuyến đường trị giá 5 tỷ USD được khai trương đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đánh dấu kỷ lục thế giới là đường hầm dưới nước sâu nhất (60m).
Chúng tôi được đưa tới một ga tàu cổ, điểm cuối cùng của chuyến tàu tốc hành Phương Đông thuở nào. Nơi đây vẫn còn một quán cafe dễ thương ngay sân ga, cũng chính là quán cafe từng xuất hiện trong một số bộ phim nổi tiếng. Ngay lối vào ga có một bức họa cổ được in trên tường, có hình bản vẽ gốc về đường hầm trứ danh này. Sau ly trà truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi được dẫn theo thang máy xuống sâu dưới lòng đất.
Tàu điện ngầm thì không có gì lạ, tàu điện chạy ngầm dưới nước cũng không phải là điều mới mẻ, nhưng nghiên cứu cả câu chuyện lịch sử của tuyến đường này trước khi xuống đây thì cảm giác thật lạ lùng. Khi dự án này hoàn thành, dự kiến vào tháng 6/2015, nó sẽ làm hồi sinh Con đường Tơ lụa nhưng lần này là tuyến đường thông suốt từ phía đông Châu Á sang phía tây Châu Âu, nối liền một mạch từ Bắc Kinh tới London.
Có thể gọi dự án Marmaray là một dự án mang tính quốc tế cao bởi nó có sự liên quan của nhiều quốc gia: Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc đều hỗ trợ những công nghệ tối tân nhất.
Đoàn nhà báo từ nhiều nước được tham quan hệ thống kiểm soát và tín hiệu rất phức tạp của công ty Siemens sau khi nghe bài thuyết trình ấn tượng của ông Metin Akbas, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Thổ Nhĩ Kỳ (TCDD). Trong căn phòng cách mặt đất mấy chục mét là những thiết bị kiểm soát toàn bộ hệ thống báo hiệu đường sắt tự động cũng như các hệ thống báo cháy, hệ thống phát hiện gas và bụi.
Trái với tưởng tượng của chúng tôi về một hệ thống phức tạp đầy những nút bấm và đèn, mọi hoạt động theo dõi và kiểm soát rất hiệu quả chỉ được đặt trong những hộp nhỏ gắn vào tường, được điều khiển qua một phần mềm tiện dụng và thông minh trên máy tính.
Kỹ sư giám sát của công ty Đức này thao tác trực tiếp để khách tham quan thấy được vị trí của các con tàu đang đi trong đường ngầm cũng như các phương án xử lý khi phát hiện cháy. Được biết, Mamaray cũng là dự án có hệ thống thông khí lớn nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Thổ Nhĩ Kỳ là nơi phải chịu nhiều trận động đất mạnh và dự án đường tàu kể trên cách đường đứt gãy Bắc Anatolia chỉ khoảng 20km. Nghiên cứu cho thấy có tới 65% khả năng xảy ra một trận động đất 7,5 độ Richter tại khu vực này trong vòng 30 năm tới. Vì thế, TCDD đã sử dụng công nghệ từ Xứ Phù Tang để đảm bảo đường tàu có thể chống được động đất tới 9 độ Richter. Khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, đoàn tàu sẽ được tự động rút về ga gần nhất.
Đường hầm dưới Eo biển Bosphorus dài 13,6km nhưng tổng chiều dài của cả tuyến đường sắt sẽ được nâng cấp là hơn 76km, kéo dài từ Gebze đến Kalkali. Với năng lực vận chuyển 75.000 người mỗi giờ giữa hai châu lục, một trong những kỳ vọng của dự án - mà Siemens cung cấo toàn bộ hệ thống kiểm soát và tín hiệu - là giảm bớt tình trạng giao thông hỗn loạn trên mặt đất của Istanbul.
Với thiết kế đặc biệt để có thể hoạt động tốt trong vòng 100 năm, đường hầm ngầm kết nối Á-Âu bằng đường sắt thực sự đã nối liền Con đường Tơ lụa hiện đại./.