Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM: Nâng cao vai trò, vị trí môn Ngoại ngữ

Thay đổi lớn nhất trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay của TP.HCM là điều chỉnh hệ số tính điểm các môn thi; theo đó, học sinh dự thi 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ sẽ đều tính hệ số 1.
Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM: Nâng cao vai trò, vị trí môn Ngoại ngữ ảnh 1Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành bài thi năm ngoái. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2021-2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến được tổ chức vào đầu tháng Sáu tới đây.

Đây là kỳ thi thu hút sự quan tâm lớn của phụ huynh và học sinh, bởi tỷ lệ "chọi" khá cao khi các trường công lập chỉ tuyển khoảng 70% số học sinh lớp 9 vào lớp 10 công lập.

Tăng hệ số môn Ngoại ngữ

Thay đổi lớn nhất trong kỳ thi năm nay là thành phố điều chỉnh hệ số tính điểm các môn thi. Theo đó, học sinh dự thi 3 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trong đó, nếu như những năm trước, 2 môn Toán, Ngữ văn hệ số 2 và Ngoại ngữ hệ số 1, năm nay điểm các môn thi được tính cùng hệ số 1. Mặt khác, thời gian làm bài thi môn Ngoại ngữ cũng được tăng lên thành 90 phút thay vì 60 phút như trước đây với số lượng câu hỏi cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thay đổi này nhằm thực hiện định hướng nâng cao vai trò của môn Ngoại ngữ theo chủ trương chung của Chính phủ trong Đề án Ngoại ngữ quốc gia, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người Việt Nam.

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học của Bộ Giáo dục vào Đào tạo cũng cho thấy được tầm quan trọng của môn học này. Cùng với điểm trung bình môn, môn Ngoại ngữ là một trong ba môn để quyết định xếp loại học sinh.

Bên cạnh đó, trong chương trình giáo dục trung học phổ thông, thời lượng môn Ngoại ngữ cân bằng với hai môn Toán, Ngữ văn, nên việc điều chỉnh hệ số ba môn thi bằng nhau trong tuyển sinh là định hướng phù hợp.

Cùng với giữ ổn định phương thức tuyển sinh, nội dung đề thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập cũng không thay đổi vẫn trong phạm vi chương trình trung học cơ sở, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi tiếp tục được đổi mới theo định hướng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

[TP.HCM: Nhiều điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập]

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ đây là định hướng thành phố đã thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chủ trương của Thành phố là không thay đổi đột ngột mà theo thực hiện theo lộ trình đổi mới dần qua các năm, để học sinh không bỡ ngỡ.

Theo Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, việc thay đổi hệ số tính điểm môn Ngoại ngữ là phù hợp với xu thế hiện nay, khẳng định tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ. Ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là nền tảng cơ bản cho học sinh, do đó 3 môn này được tính cùng hệ số tạo sự cân bằng trong việc đầu tư dạy, học của nhà trường và học sinh.

Thực tế, hiện nay vị trí của môn Ngoại ngữ ngày càng quan trọng, đây là công cụ để học sinh hội nhập, thích ứng với sự phát triển có tính toàn cầu. Hơn nữa, ở bậc trung học phổ thông, thời lượng học môn Ngoại ngữ cũng ngang bằng với môn Toán, Ngữ văn.

Chú trọng hướng nghiệp

Theo đại diện nhiều trường trung học cơ sở, việc điều chỉnh hệ số cũng như tăng thời gian thi môn Ngoại ngữ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dạy học của trường. Bởi các trường đều tổ chức dạy kết hợp ôn tập củng cố kiến thức thường xuyên cho học sinh, nhất là các môn thi vào lớp 10.

Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1, chia sẻ, việc vừa dạy vừa ôn tập cho học sinh lớp 9, nhất là các môn thi vào lớp 10 được giáo viên thực hiện thường xuyên trong mỗi tiết học.

Quá trình dạy học giáo viên cũng luôn chú trọng theo định hướng đổi mới đề thi của kỳ thi. Theo phân phối chương trình lớp 9, thời lượng môn Ngoại ngữ ít hơn so với 2 môn còn lại, với 2 tiết/tuần, môn Toán 5 tiết/tuần, còn Ngữ văn 4 tiết/tuần.

Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM: Nâng cao vai trò, vị trí môn Ngoại ngữ ảnh 2Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh hệ số tính điểm; theo đó, cả 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ sẽ đều tính hệ số 1. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tuy nhiên, trường cũng chủ động cân đối để tăng thời lượng ôn tập môn Ngoại ngữ cho các em ở buổi 2 hoặc các tiết luyện tập, đảm bảo kiến thức cho học sinh. Dù thay đổi hệ số tính điểm các môn thi nhưng nội dung thi vẫn được giữ ổn định, chủ yếu trong chương trình lớp 9, nên không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của nhà trường.

Thầy Cao Đức Khoa cho biết riêng công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh được trường thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức. Không chỉ với học sinh, trường cũng chú trọng tổ chức tư vấn cho phụ huynh để hỗ trợ, đồng hành cùng các em trong lựa chọn, đăng ký nguyện vọng phù hợp. Mặt bằng chung học lực học sinh khá tốt nên thống kê hàng năm cho thấy chủ yếu học sinh vào học lớp 10 trung học phổ thông, rất ít học sinh lựa chọn theo học nghề.

Năm học này, thành phố có khoảng 100.000 học sinh học lớp 9. Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, mỗi năm các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn sẽ tuyển 70% số học sinh lớp 9 vào lớp 10.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, học sinh có thể chọn lựa nhiều hướng khác để tiếp tục học tập tại trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề… Tổng chỉ tiêu tuyển sinh các loại hình này là hơn 30.000 học sinh, nên học sinh không lo lắng việc không có chỗ học. Quan trọng là các em cần lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực của bản thân.

Trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2021-2022, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng lưu ý các trường cần thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Trong đó khuyến khích học sinh chọn nguyện vọng phù hợp với bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục