Tuyển sinh tập trung cả nước: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lạm quyền?

Theo lãnh đạo một số trường đại học, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tất cả các trường đại học tuyển sinh tập trung trên một phần mềm thống nhất là vi phạm Luật Giáo dục Đại học.
Tuyển sinh tập trung cả nước: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lạm quyền? ảnh 1Cán bộ coi thi trung học phổ thông quốc gia 2015 hướng dẫn thi sính về thủ tục dự thi. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tất cả các trường đại học tuyển sinh tập trung trên một phần mềm thống nhất là vi phạm Luật Giáo dục Đại học về quyền tự chủ của các trường trong việc tuyển sinh là khẳng định của nhiều lãnh đạo các trường đại học.

Theo phó giáo sư Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, Luật Giáo dục Đại học đã quy định rõ việc tuyển sinh là việc của các trường. 

“Bộ không nên làm thay việc của các trường. Việc quy định dùng chung phần mềm là không hợp lý,” ông Xê nói.

Trả lời báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc dùng phần mềm xét tuyển chung là một trong những nội dung nằm trong các quy định ràng buộc mà các trường đại học dùng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển phải tuân thủ.

Ông Trinh cũng cho rằng việc các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển dựa trên phần mềm xét tuyển chung chỉ là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn mà không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Bộ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung sẽ hiệu quả hơn việc các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng rẽ. Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật chứ không phải Bộ ôm việc làm thay các trường, hay độc quyền khai thác dữ liệu.

Tuy nhiên, quan điểm này lập tức bị các trường phản biện. “Nếu các trường không tham gia phần mềm chung thì có được quyền sử dụng dữ liệu điểm thi trung học phổ thông quốc gia hay không? Nếu không được thì Bộ đã độc quyền dữ liệu, điều này là sai quy định, Bộ không có quyền nắm thông tin. Bộ độc quyền dữ liệu cũng đồng nghĩa với việc Bộ ép các trường phải sử dụng phần mềm chung, các trường không muốn tham gia cũng không được,” ông Xê phân tích. 

Cũng theo ông Xê, năm 2015, Bộ có phần mềm chung nhưng các trường vẫn sử dụng phần mềm tuyển sinh riêng của mình và kết nối vào server của Bộ để sử dụng dữ liệu.

Lãnh đạo một trường trong nhóm GX than thở: “Tôi không hiểu sao Bộ làm như vậy. Các trường tập trung hết về Bộ thì tự chủ ở đâu?”

Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong trường hợp này, không biết Bộ quy định thế nào, nhưng để đảm bảo đúng Luật Giáo dục Đại học, Bộ phải dựa trên tinh thần tự nguyện của các trường. Bộ phải hỏi các trường xem trường nào chấp nhận đề án này. 

Ví dụ ở Đại học Bách khoa, khi lập nhóm trường GX, các trường phải có văn bản nói rõ tự nguyện đồng ý tham gia nhóm trường. 

“Tôi không biết nếu các trường không tự nguyện tham gia thì Bộ sẽ làm thế nào?” ông Tớp băn khoăn.

Đây cũng là quan điểm của ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học. Ông Khuyến cho rằng việc Bộ đứng ra làm là cần thiết nhưng đấy không phải là kỳ thi tuyển sinh quốc gia mà chỉ nên là dịch vụ mà trường nào chấp nhận dịch vụ ấy thì họ tham gia còn trường không chấp nhận thì họ tổ chức riêng. 

“Nếu trường thấy vì lợi ích thật sự của họ thì họ tham gia. Quyền sử dụng kết quả, cách thức như thế nào là quyền của các trường mới phù hợp với Luật Giáo dục Đại học. Nếu bắt tất cả theo một phần mềm một cách áp đặt thì trái với Luật,” ông Khuyến nói.

Cũng bày tỏ nhiều quan ngại về chủ trương mới của Bộ, phó giáo sư Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng Bộ phải rõ ràng bằng văn bản việc tuyển sinh chung là có bắt buộc hay không. Nếu là bắt buộc, phải đưa vào quy chế tuyển sinh. Nếu không bắt buộc thì có hướng dẫn, các trường sẽ tự nguyện, tự thấy được lợi ích tốt thì họ sẽ đăng ký. 

“Nhưng phải rõ ràng và cố gắng không có quá nhiều chuyển biến đi chuyển biến lại, đặc biệt gần thi cử, các em sẽ rối loạn và các trường không chủ động,” ông Lập nói.

Theo khoản 2, Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành ngày 18/6/2012 quy định về việc tổ chức tuyển sinh có nêu rõ “cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.” 

Cũng trong Điều 34, khoản 3, Luật Giáo dục Đại học quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyển sinh chỉ dừng lại ở việc quản lý nhà nước: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.”

Trước đó, ngày 18/3, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 21/12/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nói rõ việc tuyển sinh, theo Luật, là quyền tự chủ của các trường và việc Bộ đứng ra xét tuyển như hiện nay chỉ là hỗ trợ tạm thời. Phó Thủ tướng khẳng định việc tuyển sinh sẽ phải thay đổi theo hướng giao cho các trường tự thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục