Tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới.
Tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới ảnh 1Ngày hội “Phòng chống bệnh Đái tháo đường” năm 2013. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Ngày 29/5 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bệnh đái tháo đường trong mối quan tâm về y tế toàn cầu” với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực này.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia quốc tế về bệnh đái tháo đường và các chuyên gia trong nước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của quốc tế và Việt Nam trong việc phòng chống và điều trị bệnh đái tháo đường, từ đó tìm ra các khả năng hợp tác nhằm cải thiện công tác chăm sóc bệnh đái tháo đường.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh bệnh đái tháo đường đang gia tăng toàn cầu và đang trở thành một trong những thách thức lớn đối với y tế và sự phát triển của các quốc gia trong thế kỷ 21.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm những quốc gia thu nhập trung bình và thấp sẽ phải chịu nhiều tác động lớn của căn bệnh này.

Tình hình mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đã và đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng ở hầu khắp mọi miền của cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu công nghiệp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới và Liên đoàn Đái tháo đường, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới. Rất nhiều người bệnh và gia đình cũng như các cơ sở y tế đang phải chịu những gánh nặng về kinh tế cho chi phí rất lớn trong điều trị căn bệnh này.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết trước sự gia tăng của căn bệnh này và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân cũng như sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống bệnh đái tháo đường nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Chương trình, Thứ trưởng Xuyên cho rằng rất cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan với các giải pháp về truyền thông, giáo dục sức khỏe, đào tạo cán bộ y tế, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, khả năng tiếp cận về thuốc, trang thiết bị y tế và cơ chế tài chính...

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạnh tại Việt Nam John Nielsen đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam trong việc phòng, chống bệnh đái tháo đường và chia sẻ, những năm qua, những bệnh mạn tính như đái tháo đường đã ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người kể cả nam giới, phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, số bệnh nhân mắc đái tháo đường đã tăng đến 211% với gần 5 triệu người mắc và cứ 10 ca thì có 6 ca được chuẩn đoán có biến chứng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung thảo luận về “Xu thế toàn cầu và bệnh đái tháo đường - một trong những vấn đề y tế toàn cầu,” “Bệnh đái tháo đường tại Việt Nam: Thực trạng, thách thức và đề xuất một số giải pháp,” “Xu hướng thay đổi bệnh đái tháo đường trên toàn cầu và tại Việt Nam,” “Cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh đái tháo đường,” đồng thời cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình đái tháo đường và những xu thế y tế-sức khỏe trên thế giới và tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến tháng 11/2013, trên thế giới đã có khoảng 382 triệu người mắc đái tháo đường, kèm theo những dạng biến chứng mới gây tàn tật, đe dọa tính mạng.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong; đứng hàng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục