Cái đầu cúi gằm của Văn Toàn và những bước chân của Hồ Tuấn Tài chính là khoảnh khắc biểu tượng cho một U19 Việt Nam hoàn toàn mới - giàu tính cạnh tranh và dám thay đổi.
1. Phút 56 trận U19 Việt Nam gặp U19 Malaysia tại vòng bảng Cúp Hassanal Bolkial 2014, tiền đạo số 9 Văn Toàn lầm lũi rời sân với cái đầu cúi gằm. Anh đã bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn, đánh đầu trúng cột dọc một lần và gây thất vọng lớn. Toàn bị thay ra bởi chính huấn luyện viên Guillaume Graechen - người thầy đã huấn luyện anh suốt bảy năm. Người thay thế Toàn là Tuấn Tài, đến từ Sông Lam Nghệ An.
Đó không phải là lần đầu tiên tại Cúp Hassanal Bolkial, ông Graechen gạt một cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG để tung vào sân một cầu thủ đến từ lò đào tạo khác. Quá trình thanh lọc nghiệt ngã ấy đã được báo trước, đã diễn ra liên tục từ sau giải U19 quốc gia năm 2014 và đang cho thấy những dấu hiệu tích cực.
Trước đó, Hoàng Thanh Tùng bị Phan Văn Long đánh bật ở cánh phải, Quang Hải chiến thắng các đồng nghiệp JMG ở biên trái. Nhưng sự thay đổi mang tính biểu tượng phải nằm ở hàng công: Văn Toàn - tiền đạo của HAGL Arsenal JMG, vua phá lưới giải Đông Nam Á 2013, chân sút số một của U19 Việt Nam, bị đá văng khỏi vị trí tiền đạo cắm. Người thay thế anh là Hồ Tuấn Tài của "lò" Sông Lam Nghệ An - mới tham dự giải đấu chính thức đầu tiên cùng đội U19, mới lần đầu lên đội tuyển.
Và chính những người đã từng "vô danh" ấy đang làm thay đổi đội tuyển.
2. Chúng ta hãy hiểu cảm giác thất vọng của Văn Toàn và các đồng đội, hãy hiểu sự dũng cảm của huấn luyện viên Graechen, hãy hiểu đợt sóng ngầm đang diễn ra trong lòng đội tuyển U19 quốc gia.
Ông Graechen hẳn đã có những quyết định khó khăn, không chỉ với các học trò mà cả với chính bản thân ông. Sau bảy năm gắn bó, Thanh Tùng và Văn Toàn không chỉ là những cậu học trò bình thường. Cùng với Công Phượng, Tuấn Anh, họ giống như những đứa con trai của ông thầy người Pháp. Thế hệ trưởng thành từ HAGL Arsenal JMG do một tay ông “Giôm” đào tạo, họ là đại diện cho triết lý bóng đá của huấn luyện viên người Pháp, là biểu tượng cho thành công sự nghiệp của ông. Thành công hay thất bại của họ là danh dự của ông Graechen.
Với Văn Toàn, sự hạ cấp này là một "đòn đau." Tiền đạo của HAGL Arsenal JMG chính là Vua phá lưới giải Đông Nam Á, chân sút số một của U19 Việt Nam trong mọi giải đấu. Vị thế của anh đã có lúc tưởng như không thể xâm phạm.
Vậy mà hôm nay, vị thế ấy đã thay đổi. Sau rất nhiều thất bại ở giải U19 quốc tế hồi tháng Một, ở chuyến du đấu tại Anh, trong chuyến hành quân tới Nhật Bản, ông Graechen đã nhận thấy yêu cầu của sự thay đổi.
Chiến lược gia người Pháp đã trả giá rất đắt cho sự thay đổi bằng những thất bại như trên. Nhưng cảm ơn sự “hy sinh” của ông, U19 Việt Nam đang hưởng lợi.
3. Lần đầu tiên trong lịch sử U19 Việt Nam phiên bản 2013 (đội bóng này được triệu tập lần đầu năm 2013), các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG không còn ở vị thế bất khả xâm phạm.
Khi Văn Toàn - vua phá lưới giải Đông Nam Á và Thanh Tùng - tiền vệ trái hay nhất lò JMG bị mất chỗ, không còn cầu thủ nào thực sự an toàn. Sự cạnh tranh trong lòng đội tuyển U19 sẽ mang tới một tác động hai mặt. Các ngôi sao JMG hiểu rằng vị thế của họ không còn là “bất khả xâm phạm.” Các cầu thủ từ những lò đào tạo khác hiểu rằng họ luôn có cơ hội.
Không khí cạnh tranh ấy là rất tốt cho đội tuyển. Bởi bóng đá chính là cuộc sống. Cạnh tranh là nguồn gốc tạo ra sức mạnh. Khi những cá thể xuất sắc nhất được tạo điều kiện để đối mặt một cách công bằng nhất, đội tuyển quốc gia mạnh nhất sẽ ra đời.
Khi U19 Việt Nam dám thay đổi, thế hệ đáng chờ đợi nhất của bóng đá Việt Nam vẫn còn ở phía trước.../.