Chiều 4/9, trong phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường. Đây là dự án Pháp lệnh quan trọng, nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về môi trường ngày càng phức tạp như hiện nay.
Dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có 6 chương, 32 điều. Trong đó, dự thảo quy định Cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm. Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường; tên gọi Pháp lệnh; vai trò của lực lượng Cảnh sát môi trưởng ở các cấp…
Nhiều đại biểu băn khoăn về việc quy định lực lượng Cảnh sát môi trường thực hiện các chức năng xử lý về vi phạm tài nguyên, an toàn thực phẩm. Đây là điều cần phải xem xét lại, tránh chồng chéo với cơ quan quản lý hành chính.
Theo các đại biểu, hiện nay việc đấu tranh chống tội phạm và hành vi vi phạm về môi trường chưa đạt yêu cầu do những vướng mắc trong các văn bản luật, trong đó thiếu một lực lượng chuyên trách về vấn đề này.
Là một người đi khảo sát rất nhiều về thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường, bà Trần Thị Hoa Sinh (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, hiện các lực lượng Cảnh sát môi trường không được trực tiếp điều tra, nên hầu như không thể xử lý về hình sự các vụ vi phạm. Đồng thời, việc xử lý vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo nhau giữa các lực lượng chức năng do chưa có quy định đầy đủ, cụ thể. Vì vậy, khi xây dựng dự thảo, cần phải có nghiên cứu, đánh giá tổng kết thật kỹ để Pháp lệnh đi vào thực tế, nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và hành vi vi phạm về môi trường.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, với những yêu cầu từ thực tiễn về tội phạm môi trường hiện nay, việc ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo cần phải làm rõ chức năng xử lý hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, an toàn thực phẩm đã nêu trong Pháp lệnh. Nếu không cẩn thận, thiếu quy định rõ ràng thì rất dễ bị chồng chéo với chức năng của các cơ quan quản lý khác của nhà nước. Do đó, phải định nghĩa, giải thích rõ về các chức năng này.
Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Cảnh sát môi trường được quy định tại điều 4 của dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo phải xin ý kiến của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề này; đồng thời phải có quy định thống nhất về mặt quản lý nhà nước, có sự phân cấp cụ thể của lực lượng Cảnh sát môi trường./.