UBS muốn 'giữ chân' các nhân viên cao cấp của Credit Suisse ở châu Á

UBS đã nói với nhân viên thuộc bộ phận quản lý tài sản của Credit Suisse trong tuần này rằng họ đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tài chính để giữ nhân viên ở lại.
UBS muốn 'giữ chân' các nhân viên cao cấp của Credit Suisse ở châu Á ảnh 1Biểu tượng ngân hàng Credit Suisse (trái) và UBS tại Basel, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nguồn thạo tin, UBS đã cam kết đưa ra các gói ưu đãi nhằm giữ chân nhân viên thuộc bộ phận quản lý tài sản tại châu Á của Credit Suisse, khi ngân hàng cố gắng ngăn chặn một cuộc “chảy máu nhân lực” sau khi tiếp quản đối thủ cũ.

Một nguồn tin cũng cho biết trong một bài phát biểu tại tòa thị chính ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 24/3, ông Iqbal Khan, Chủ tịch bộ phận quản lý tài sản toàn cầu của UBS, cho biết hiện tại họ đang tập trung vào việc ổn định chi nhánh Credit Suisse châu Á và tăng cường niềm tin vào ngân hàng này.

[Nguy cơ sa thải hàng loạt sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse]

Trong bài phát biểu của mình, ông Khan cho biết những người hoạt động hiệu quả nhất tại bộ phận quản lý tài sản của Credit Suisse sẽ nhận được các gói lợi ích. Nội dung chi tiết của gói này không được nêu rõ.

Người phát ngôn của Credit Suisse và UBS từ chối bình luận về thông tin trên.

Trong động thái nhằm trấn an các nhân viên chủ chốt sau vụ tiếp quản, UBS đã nói với nhân viên thuộc bộ phận quản lý tài sản của Credit Suisse trong tuần này rằng họ đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tài chính để giữ nhân viên ở lại.

Trước đó vào hôm 19/3, UBS cho biết họ sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sỹ (3,23 tỷ USD) cho Credit Suisse và chịu khoản lỗ ít nhất 5,4 tỷ USD trong một thỏa thuận được Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2023.

Giới chức Thụy Sỹ đã phải chạy đua với thời gian để tìm ra phương án giải cứu Credit Suisse, ngăn khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu.

Cuộc giải cứu kéo dài 11 giờ được hỗ trợ bởi một khoản bảo lãnh khổng lồ của chính phủ, giúp ngăn chặn điều lẽ ra là một trong những vụ phá sản lớn nhất của ngành ngân hàng kể từ sự sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008.

Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ biến UBS trở thành ngân hàng toàn cầu duy nhất của Thụy Sỹ, đồng thời khiến nền kinh tế Thụy Sỹ phụ thuộc nhiều hơn vào một bên cho vay duy nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục