UBTVQH bàn về xã hội hóa giám định tư pháp

Nên bỏ hay giữ bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh là vấn đề được tranh luận trong cuộc họp chiều 27/9.
Nên bỏ hay giữ bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Đây là vấn đề được tranh luận giữa cơ quan soạn thảo, Bộ Công an và  các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến vào dự án Luật giám định tư pháp chiều 27/9.

Các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đề nghị nên giữ quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y như hiện hành, gồm Viện pháp y quốc gia; Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố; Viện pháp y quân đội; Trung tâm pháp y thuộc Viện khoa học hình sự của Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giám định viên pháp y; Bệnh viện cấp quân khu có giám định viên pháp y.

Việc xác định mô hình tổ chức giám định tư pháp phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, tránh gây xáo trộn về tổ chức một cách không cần thiết và có thể dẫn đến giảm hiệu quả của hoạt động này.

Thực tiễn cho thấy hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, không có vướng mắc về quản lý nhà nước cũng như tổ chức việc giám định; phục vụ kịp thời cho quá trình tiến hành tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng.

Bảo lưu quan điểm tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào Trung tâm giám định pháp y thuộc ngành y tế, không còn giám định viên pháp y thuộc phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định vấn đề này Chính phủ đã thảo luận và Thủ tướng đã kết luận không giữ giám định pháp y của công an tỉnh, ở Trung ương vẫn nên duy trì để tháo gỡ những vướng mắc lớn.

Bộ trưởng cũng khẳng định tổ chức như vậy sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giám định viên pháp và tập trung đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; tránh dàn trải, lãng phí và khắc phục sự thiếu thống nhất về quy mô, cơ cấu tổ chức; đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng mà không dẫn tới tình trạng quá tải.

Trên thực tế hiện nay, giám định pháp y của ngành công an chỉ chiếm 17% các vụ việc, còn lại là giám định pháp y của ngành y tế. Nơi nào giám định pháp y của công an phát triển thì của y tế không phát triển và ngược lại.

Không đồng tình với nhận định này, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng bỏ tổ chức giám định pháp y của công an cấp tỉnh chắc chắn sẽ dẫn tới ùn tắc, dự án Luật đưa vấn đề ra hơi vội vàng.

Bộ máy này được tổ chức rất tinh gọn, từ Bộ tới tỉnh, bảo đảm điều kiện hoạt động hiệu quả, hợp lý. Đây là lực lượng vũ trang chiến đấu, khi có yêu cầu là có mặt ngay, đáp ứng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bên cạnh đó, giám định pháp y không chỉ là giám định cái chết mà còn đánh giá, xác định dấu vết, định hướng, là chìa khóa mở ra cho công tác điều tra. Lực lượng này được bố trí độc lập, không nằm trong cơ quan điều tra, vì vậy tổ chức là yêu cầu khách quan và rất cấp thiết.

Trong khi đó, giám định pháp y của ngành y tế lại không được trang bị kiến thức về bảo vệ hiện trường, xác định dấu vết, chỉ được trang bị kiến thức về y tế đơn thuần, việc mời các giám định viên này đi giám định cũng không hề đơn giản do liên quan đến nhiều yếu tố.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng nên củng cố tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y hiện hành. Vấn đề là mục tiêu hoạt động, mà cụ thể đây là công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, hoạt động này cần có tính chất vũ trang trong hoạt động giám định, đảm bảo tính kịp thời, tính chiến đấu, đi bất kỳ chỗ nào bất kỳ nguy hiểm khó khăn, đáp ứng yêu cầu điều tra.

Các cơ quan khác không có chuyên môn để gắn với hoạt động điều tra và giám định viên được mời giám định lại phải có lực lượng bảo vệ đi kèm. Vì vậy, vẫn nên tồn tại hai tổ chức giám định pháp y nhưng quy định rõ nhiệm vụ, chức năng và có cơ chế phối hợp cho chặt chẽ.

Ủy ban Pháp luật và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này, bỏ giám định pháp y thuộc công an tỉnh vì lý do tạo điều kiện cho Trung tâm giám định pháp y tỉnh phát triển là không hợp lý. Cần xem vai trò của tổ chức giám định pháp y ngành công an trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay. Vả lại, việc đưa phương án bỏ là mâu thuẫn với chính dự án Luật là xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp .

Cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, cho phép các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở tất cả các lĩnh vực để thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Đa số ý kiến cho rằng việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết, rút kinh nghiệm rồi mới xem xét mở rộng phạm vi hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh băn khoăn lấy xã hội hóa làm khâu đột phá bền vững cho hoạt động giám định tư pháp liệu có đúng trong khi ta đã có một hệ thống tổ chức công lập từ trên xuống dưới, cơ sở nào dựa vào xã hội hóa để tạo sự phát triển.

Nếu điểm nghẽn nằm ở hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập này thì phải củng cố chính nó. Phải xác định trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương các cấp để tạo hệ thống tổ chức đồng bộ và có cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, trong đó có cả tài chính và nhân lực để bảo đảm hoạt động giám định tư pháp kịp thời, chính xác.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp cần bám sát, thể chế hóa đầy đủ các nội dung được định hướng trong các nghị quyết và văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp. Đó là hoàn thiện chế định giám định tư pháp.

Nhà nước cần đầu tư cho một số lĩnh vực giám định để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng. Thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên. Quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời hạn trưng cầu và thực hiện giám định. Ban hành quy chuẩn giám định phù hợp với từng lĩnh vực, xác định rõ cơ chế đánh giá kết luận giám định, bảo đảm đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến về những điểm còn khác nhau để tiếp tục chỉnh lý. Thiên về ý kiến để cơ quan công an tỉnh có lực lượng giám định pháp y, Chủ tịch đề nghị cơ quan soạn thảo xin ý kiến Chính phủ, cân nhắc kỹ càng.

Nếu Chính phủ vẫn giữ quan điểm như dự án Luật thì Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội cả hai phương án để Quốc hội quyết định./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục