Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được tiến bộ đáng kể với việc có thêm 50,1 triệu trẻ em gái trên thế giới có cơ hội tới trường kể từ năm 2015.
Đây là ghi nhận mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra ngày 11/10.
Trong báo cáo về giám sát tình hình giáo dục toàn cầu, được công bố nhân Ngày Quốc tế Trẻ em Gái năm nay (11/10/2023), UNESCO ghi nhận sự tiến bộ khi có thêm 22,5 triệu trẻ em gái ở bậc tiểu học được cắp sách tới trường so với năm 2015.
Trong khi đó, con số này đối với bậc trung học cơ sở và bậc trung học phổ thông lần lượt là 14,6 triệu và 13 triệu trẻ em gái.
[Ngày Quốc tế Trẻ em gái: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính]
Bên cạnh đó, UNESCO tiếp tục kêu gọi các nước thành viên nỗ lực nỗ lực đảm bảo bình đẳng giữa trẻ em gái và trẻ em trai trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong bối cảnh hiện vẫn còn 122 triệu trẻ em gái trên thế giới không được đến trường, đặc biệt là ở khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh: "Để đạt được bình đẳng giới trong giáo dục trên toàn cầu, chúng ta cần duy trì nỗ lực, trang bị cho các trẻ em gái công cụ và thúc đẩy môi trường sống thuận lợi để hỗ trợ cho sự thành công của các em."
Ngày 19/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố ngày 11/10 hằng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em Gái để công nhận quyền của trẻ em gái, đồng thời nâng cao nhận thức về những khó khăn mà trẻ em gái trên khắp thế giới phải đối mặt.
Chủ đề của Ngày Quốc tế Trẻ em Gái 2023 là "Đầu tư vào quyền của Trẻ em Gái: Sự lãnh đạo của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta."
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác đầu tư thêm 1 tỷ USD vì sự phát triển bình đẳng của trẻ em gái ở độ tuổi từ 10-19./.