Ứng dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải

Việc đẩy mạnh quá trình chuyển sang dùng nhiên liệu sinh học trong giao thông giúp các nước tiết kiệm đáng kể chi phí và phát triển bền vững.
Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển khác, hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có vấn đề cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, sự phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới.

Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng lớn, sau công nghiệp và dân dụng do đó việc phát triển nhiên liệu sạch nói chung và nhiên liệu sinh học nói riêng trong giao thông vận tải là vấn đề vô cùng cấp thiết. Ở quy mô nhỏ, nhiên liệu sinh học có thể là nguồn cung cấp năng lượng cho chiếu sáng, đun nấu và giao thông.

Xăng sinh học E5, E10 (xăng pha etanol) đã được chứng minh có khả năng sử dụng rộng rãi trên các phương tiện giao thông, giúp giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thiểu đáng kể lượng khí thải. Việc sử dụng nhiên liệu sinh học cũng là một trong những giải pháp để phát triển giao thông một cách bền vững. Đến nay tất cả các quốc gia trong Tiểu vùng các nước sông Mekong mở rộng (GMS) đều đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch phát triển nhiên liệu sinh học tại đất nước mình trong đó Thái Lan và Campuchia là những nước hiện đang có sự tăng trưởng nhanh về loại nhiên liệu này.

Trong lĩnh vực hàng không, đến nay đã có 6 chuyến bay hoàn toàn sử dụng nhiên liệu sinh học hạ cánh thành công và an toàn trong đó có 4 chuyến bay từ trụ sở Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ở thành phố Montreal của Canada đến thành phố Rio de Janeiro của Brazil và hai chuyến bay quốc tế khác của các hãng hàng không Azul và Embraer của Brasil trong đó có chuyến bay từ châu Âu đến thành phố Rio de Janeiro.

Bốn chuyến bay từ trụ sở ICAO đã nối chuyến đưa Tổng Thư ký ICAO, Raymond Benjamin, cùng nhiều quan chức của tổ chức, Brazil và đại diện các hãng hàng không cùng đại diện các hãng chế tạo máy bay thế giới tới tham dự Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20).

Tổng Thư ký Benjamin cho biết, 4 chuyến bay có tên gọi “Đường bay đến tương lai bền vững” được các hãng hàng không Aeroméxico (Mexico), GOL (Brasil, Air Canada và Porter Airlines (Canada), các hãng chế tạo máy bay Airbus, Boeing, Bombardier (Canada), Embraer (Brasil); các công ty sản xuất nhiên liệu sinh học ASA, Curcas, SkyNRG, UOP và các sân bay quốc tế ở các thành phố Montreal, Toronto, Mexico City, Sao Paulo và Rio de Janeiro phối hợp thực hiện.

Nhiên liệu sinh học được sử dụng trong 6 chuyến bay này được chiết xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, dầu ngô không sử dụng được làm thực phẩm, từ các cây bản địa châu Âu và châu Á như cây vừng Đức (camelina), cây jatropha, từ nguồn rỉ đường của công nghiệp mía đường.

Tổng Thư ký ICAO nhấn mạnh thành công của 6 chuyến bay quốc tế hoàn toàn bằng nhiên liệu sinh học này khẳng định nhiên liệu sinh học bền vững cho ngành hàng không đã trở thành hiện thực. Các nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt và thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể giúp ngành Hàng không đáp ứng các mục tiêu giảm khí thải mà không cạnh tranh các nguồn tài nguyên đất và nước với sản xuất lương thực.

Thành công này cũng chuyển tải thông điệp của ngành vận tải Hàng không thế giới, bao gồm các hãng hàng không, các sân bay, các nhà chế tạo máy bay, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải Hàng không, trong đó khẳng định cam kết của ngành hàng không về trách nhiệm với môi trường trong khi thúc đẩy vai trò xúc tác phát triển kinh tế xã hội, đem lại lợi ích khổng lồ cho cộng đồng và nền kinh tế toàn cầu. Thông điệp này cũng kêu gọi các chính phủ hỗ trợ các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học bền vững tăng sản lượng nguồn nhiên liệu này để sản xuất kinh tế hơn và tôn trọng các tiêu chuẩn bền vững.

ICAO nêu rõ ngành hàng không là ngành kinh tế then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội thông qua việc tạo ra 56,6 triệu việc làm và đóng góp hơn 2.200 tỷ USD vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Sự hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cũng như các nguồn nhiên liệu sinh học bền vững và cải thiện cơ sở hạ tầng hàng không có ý nghĩa quan trọng sống còn để ngành hàng không tiếp tục vai trò tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giảm tối đa tác động đến môi trường.

Ở Việt Nam trong những năm vừa qua đã có một số dự án thí điểm tạo tiền đề tốt cho việc phát triển nhiên liệu sinh học (sử dụng xăng E5, Bio-diesel B5) cho phương tiện giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… tuy nhiên hiện nay việc phát triển loại nhiên liệu này còn nhiều khó khăn vì đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ, chưa  thu hút nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục