Đại dịch COVID-19 bùng phát trong hai năm qua đã làm trầm trọng thêm những thách thức hiện có đồng thời đưa ra những yêu cầu và cơ hội mới như việc thúc đẩy cơ hội để cải thiện ngành y tế, mở rộng khả năng tiếp cận y tế với nhiều người hơn trên thế giới.
Kinh nghiệm của nhiều nước
Vừa qua, tại Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra phiên Hội thảo quốc tế về COVID-19 có sự tham gia báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam.
Các báo cáo viên, các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp quốc tế đặc biệt những kinh nghiệm chống dịch thành công của các Quốc gia Australia, Nhật Bản, Anh Quốc và những chiến lược ứng phó với biến chủng Omicron.
[Bộ Y tế tiếp tục thông tin về việc tăng hạn dùng của vaccine Pfizer]
Giáo sư Greg Fox đến từ Trường đại học Sydney, Australia chia sẻ chủ đề: “Quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19, từ kinh nghiệm chống dịch của Australia.”
Theo ông, COVID-19 là một bệnh hô hấp cấp tính do virus gây ra một loạt các biểu hiện khác nhau, từ không có triệu chứng đến tình trạng nguy kịch và tử vong. Bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy một số biện pháp can thiệp có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.
Giáo sư Greg Fox cho hay tại Australia, chiến lược quản lý những người mắc COVID-19 sẽ được lựa chọn tùy theo mức độ nặng, tiên lượng và bệnh kèm theo của bệnh nhân. Các sơ đồ trên lâm sàng có thể hướng dẫn các bác sỹ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Các thuốc điều trị được lựa chọn cẩn thận theo các bằng chứng đã được công bố. Các thuốc điều trị được chứng minh có lợi ích ở một số bệnh nhân bao gồm glucocorticoid, chất ức chế Janus kinase, chất ức chế IL-6 và thuốc kháng virus.
Theo giáo sư Greg Fox, thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC) và thở máy có thể được chỉ định cho một số bệnh nhân nhất định, không nên sử dụng các loại thuốc mà hiệu quả chưa được chứng minh. Các hướng dẫn của Australia ưu tiên các liệu pháp này cho những bệnh nhân nên họ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Giáo sư Greg Fox kết luận “Có nhiều phương pháp để điều trị COVID-19 phát huy hiệu quả. Quyết định điều trị phải dựa trên bằng chứng và phải được hướng dẫn cụ thể tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.”
Phó giáo sư Toshie Manabe đến từ Trường đại học Nagoya, Nhật Bản chia sẻ chủ đề về “Làm thế nào để kiểm soát thành công đại dịch COVID-19- Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản.”
Theo Phó giáo sư Toshie Manabe, các biện pháp đối phó với bệnh truyền nhiễm mới nổi cần phải xem xét một cách toàn diện bao gồm cả dịch tễ học, lâm sàng và khía cạnh xã hội. Chẩn đoán sớm và khởi phát điều trị sớm là chìa khóa để ngăn ngừa thể nặng của những bệnh truyền nhiễm mới nổi. Giám sát dịch bệnh, phân tầng và điều tra dịch tễ học để phân bổ nhanh chóng các nguồn nhân vật lực y tế có hạn một cách thích hợp cũng như triển khai các biện pháp phù hợp như cách ly y tế; Giáo dục cộng đồng hiểu đúng và nâng cao kiến thức để có các hành vi phù hợp ngăn ngừa lây nhiễm bao gồm cả hiểu biết tầm quan trọng của việc tiêm chủng…
Tiến sỹ Thomas Kesteman đến từ Trường Đại học Oxford, Vương Quốc Anh chia sẻ tại hội thảo về chiến lược ứng phó với biến chủng Omicron, đây là một biến thể có khả năng lây truyền rất mạnh của SARS-COV-2 và có thể né tránh hệ miễn dịch làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine. Biến chủng này có nguy cơ ảnh hưởng đến việc chiến lược kiểm soát dịch COVID-19 của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Theo ông, cần có thêm những nghiên cứu đánh giá về mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron và hiệu lực bảo vệ của vaccine liều tăng cường đối với biến chủng Omicron song song với các biện pháp không dùng thuốc khác. Các phòng thí nghiệm, các labo sinh học phân tử cũng cần được tăng cường và hỗ trợ nhiều hơn để có thể giải trình tự gen và nhằm phát hiện nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam.
Việt Nam đáp ứng hiệu quả theo cấp độ dịch
Về phía Việt Nam, giáo sư Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng tổ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cũng báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm “Cập nhật về bệnh học và điều trị SARS-COV-2”. Theo giáo sư Bình, đại dịch COVID-19 lần đầu tiên xảy ra vào tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Kể từ đó nó đã lây lan khắp thế giới với hơn 270 triệu người mắc bệnh và hơn 5 triệu trường hợp tử vong và thiệt hại to lớn về kinh tế-xã hội, COVID-19 còn để lại hậu quả nặng nề lâu dài mà chưa đánh giá hết được.
Giáo sư Bình đã cập nhật đặc điểm bệnh học và điều trị của COVID-19, trong đó nhấn mạnh đặc điểm sinh lý bệnh của SARS-CoV-2; Biểu hiện lâm sàng qua các giai đoạn cấp tính ở người lớn và trẻ em; Một số đặc điểm lâm sàng tồn tại dai dẳng sau giai đoạn cấp; Phân loại và quản lý bệnh nhân COVID-19 theo mức độ bệnh; Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân nặng cần nhập viện.
Giáo sư Bình cũng cho rằng cần phải phát hiện sớm và cách ly kịp thời, ngăn chặn lây lan, phân loại và theo dõi diễn biến theo mức độ nặng. Điều trị bằng thuốc kháng virus, steroid, thuốc chống đông máu cũng như hỗ trợ hô hấp và điều trị bệnh nền kèm theo kết hợp chăm sóc toàn diện sẽ giảm bớt được tỉ lệ tử vong.
Tiến sỹ Đỗ Ngọc Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 chia sẻ về “kinh nghiệm tổ chức bệnh viện điều trị COVID-19 trong điều kiện thảm họa & hướng tới sống chung với COVID-19” trong đó đề cập đến việc xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến nhằm nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả theo cấp độ dịch tại địa phương và toàn quốc.
Mô hình bệnh viện dã chiến cũng góp phần ngăn chặn và phát hiện sớm, cách ly triệt để trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, khoanh vùng và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong; Hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.
Theo tiến sỹ Đỗ Ngọc Sơn, mô hình chống dịch Đà Nẵng cho những bài học về COVID-19 lây nhiễm trong bệnh viện và nhóm bệnh nhân thận nhân tạo. Dự báo tình hình dịch, tỷ lệ bệnh nhân ở các mức độ, đặc biệt ở mức độ nặng và nguy kịch là khâu rất quan trọng trong xây dựng chiến lược ứng phó COVID-19 nói chung và xây dựng và thiết kế bệnh viện dã chiến nói riêng. Bệnh viện quận huyện, bệnh viện đa khoa vẫn là lựa chọn tốt nhất để xây dựng bệnh viện dã chiến đáp ứng nhu cầu của cả bệnh nhân nhiễm trong bệnh viện và trong cộng đồng.
Lần đầu tiên mô hình bệnh viện dã chiến được xây mới hoàn toàn được triển khai cho nhiều bài học về thiết kế, tổ chức thực hiện và triển khai đồng bộ (pháp lý, vật tư trang thiết bị, nhân lực y tế, tình nguyện viên, đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn, chất thải y tế và phòng tránh cháy nổ)…/.