Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào hai dự án Luật

Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài và Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào hai dự án Luật ảnh 1Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến hai dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại buổi làm việc thứ 2, phiên họp thứ 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào chiều 13/1.


Luật hóa các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thảo luận lần đầu và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, bổ sung thêm một chương về quá cảnh.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 9 chương, 57 điều. Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến làm rõ thêm 5 vấn đề gồm quá cảnh; người không quốc tịch; đơn phương miễn thị thực; thẩm quyền mời, bảo lãnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và khu vực hạn chế người nước ngoài tạm trú, đi lại.

Thường vụ Quốc hội cho rằng người nước ngoài quá cảnh không chỉ ở cửa khẩu quốc tế đường không mà còn ở cửa khẩu quốc tế đường biển, đường sắt và vấn đề này đã được quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật biên giới quốc gia, do đó để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và thực tiễn, cần bổ sung nội dung quá cảnh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, thực tế việc quá cảnh chỉ diễn ra trong khu vực quá cảnh ở cửa khẩu, người quá cảnh không phải thực hiện các thủ tục như đối với hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú nên không cần thiết bổ sung cụm từ quá cảnh vào tên Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng đề nghị nên cân nhắc về quy định quá cảnh để tránh phải sửa luật bởi đến năm 2015, với việc tiến tới xây dựng cộng đồng ASEAN, xây dựng kết nối giao thông và thực hiện tự do đi lại trong các nước trong khối, sẽ không tránh khỏi việc người nước ngoài qua Việt Nam để sang nước thứ 3.

Cũng theo ông Trần Văn Hằng, hiện nay, nhập cảnh trái phép là vấn đề còn tồn tại, số đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không ít, nhưng Luật mới chỉ đề cập đến việc nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú hợp pháp, cần có hướng xử lý trục xuất những đối tượng này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự án Luật có liên quan chặt chẽ đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, do vậy cần rà soát lại cho phù hợp với Hiến pháp.

Chỉ rõ quy định bất hợp lý tại khoản 2 Điều 44 về việc giao Chính phủ thẩm quyền quy định việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú đối với người không quốc tịch và cho rằng nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú lên quan đến chủ quyền quốc gia là phạm vi của Quốc hội, ông Phan Trung Lý đề nghị bỏ quy định này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần xem xét vấn đề người không quốc tịch, quy định tối đa vào trong Luật để tránh phải có nhiều văn bản dưới Luật, gây khó dễ cho việc thực thi, với những nội dung giao Chính phủ, cần ghi rõ trong trường hợp nào giao Chính phủ đơn phương miễn thị thực.

Các ý kiến cũng đề nghị vấn đề miễn thị thực của người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cần được quy định cụ thể ngay trong Luật.

Tăng cường công tác đăng kiểm

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, Thường vụ Quốc hội vẫn còn có ý kiến khác nhau việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại các vùng nước không phải “đường thủy nội địa.”

Có ý kiến cho rằng phần mặt nước ven bờ từ giới hạn hành lang bảo vệ luồng đến mép bờ không được coi là đường thủy nội địa nhưng lại được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường thủy nội địa là mâu thuẫn với tên gọi của Luật và có nội hàm không thống nhất với nội dung quy định tại điều này.

Do đó, không nhất thiết phải bổ sung một khoản vào Điều 1 để mở rộng phạm vi điều chỉnh mà chỉ cần chỉnh sửa lại các khái niệm “đường thủy nội địa,” “luồng chạy tàu.” Song, có ý kiến đề nghị thay vì “mở rộng phạm vi điều chỉnh” nên quy định “áp dụng pháp luật” đối với phần mặt nước không phải là đường thủy nội địa để đảm bảo tính logic pháp lý...

Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, quy định áp dụng pháp luật đối với hoạt động giao thông trên vùng nước không phải đường thủy nội địa là phù hợp hơn với đặc điểm của hệ thống sông ngòi, hồ, đầm, phá... ở Việt Nam.

Thống nhất với việc không mở rộng phạm vi đường thủy nội địa theo nghĩa bao hàm tất cả các quy định luồng vận tải, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc áp dụng pháp luật phải nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi, phải tính cả đường biển, đảo ra đảo, đất liền ra đảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì cho rằng quy định áp dụng pháp luật với mép luồng, mép bờ chưa được quản lý sử dụng là quá lỏng, cần rà soát, điều chỉnh cụ thể hơn.

Thống nhất với việc cần đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của người dân chứ không phải để giải quyết vấn đề tỷ lệ đăng ký thấp, Thường vụ Quốc hội cho rằng cần quy định theo hướng không mở rộng loại phương tiện được miễn đăng ký so với Luật hiện hành.

Riêng về đăng kiểm phương tiện, các ý kiến đều đồng tình quan điểm đã là phương tiện chở người thì phải đăng kiểm. Bỏ đăng kiểm là hết sức sơ hở.

Từ nhìn nhận khâu yếu nhất trong quản lý phương tiện giao thông đường thủy và cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vụ tai nạn là do buông lỏng công tác đăng kiểm. Ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng cần xã hội hóa công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét quy định độ tuổi của người lái phương tiện tại Điều 29 và Điều 35 cho phù hợp với thực tế. Việc áp dụng Bộ luật lao động để quy định về giới hạn độ tuổi “không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam” tại Điều 29 đối với thuyền viên là chưa phù hợp và cần phải giới hạn độ tuổi tại Điều 35 để tránh trường hợp người nhỏ tuổi, không đảm bảo điều kiện sức khỏe điều khiển phương tiện có động cơ.

Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương trong đăng ký, đăng kiểm, cấp phép cho phương tiện hoạt động và quản lý luồng, hàng lang bảo vệ luồng, vùng nước... là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục