Vaccine COVID-19: "Liều thuốc" hồi sinh nền kinh tế toàn cầu

Dù chưa được triển khai đồng bộ do nguồn cung còn thiếu và việc tiếp cận khó khăn, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vaccine trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu.
Vaccine COVID-19: "Liều thuốc" hồi sinh nền kinh tế toàn cầu ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Worcester, Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau hơn một năm gồng mình, vật lộn với sát thủ vô hình virus SARS-CoV-2, nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn được đánh giá là phục hồi khá tích cực khi các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng cho năm 2021.

Tuy nhiên, khác với những cuộc khủng hoảng từng xảy ra, các biện pháp như “thắt lưng buộc bụng,” các gói cứu trợ, kích thích tiêu dùng... không phải là ưu tiên hàng đầu, mà vaccine - một chế phẩm y tế cấp thiết trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, lại được coi là “vũ khí” quyết định đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng này.

Dù chưa được triển khai đồng bộ do nguồn cung còn thiếu và việc tiếp cận khó khăn phụ thuộc vào tiềm lực mỗi nước, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vaccine trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu.

[IMF, WB và WTO nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu]

Thời điểm kết thúc năm 2020, hầu hết các định chế tài chính thế giới đều đánh giá kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc khủng hoảng không thể cứu vãn.

Việc các nước khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào thời điểm đó không chỉ cho thấy tính hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng dịch bệnh, mà đây còn trở thành "liều thuốc" kích hoạt lại mọi hoạt động đời sống xã hội.

Sau hơn 4 tháng triển khai tiêm vaccine, nhiều nước trên thế giới đã dần gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, nền kinh tế thế giới cũng nhờ đó dần trở lại quỹ đạo bình thường, khiến các định chế tài chính điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021.

Nếu Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ nâng mức dự báo này lên 5,8%, cao hơn 0,2% so với con số trước đó, thì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng có thể đạt 6,4%, cao hơn mức 5,5% đưa ra đầu năm và cao gần gấp đôi so với dự báo vào tháng 10/2020.

Vaccine COVID-19: "Liều thuốc" hồi sinh nền kinh tế toàn cầu ảnh 2Toàn cảnh cảng container Incheon ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu trở thành hiện thực, con số này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới kể từ năm 1976.

Vụ Kinh tế và Xã hội (DESA) của Liên hợp quốc cuối tháng 5 vừa qua cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên 5,4% thay vì mức 4,7% trước đó.

Đây là những đánh giá tích cực trong bối cảnh năm 2020, kinh tế thế giới giảm 3,6%, với mức thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính hàng chục nghìn tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động tích cực tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Từ thông điệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Lấy vaccine làm chìa khóa để mở cửa nền kinh tế,” sau hơn 4 tháng triển khai, chương trình tiêm chủng với hơn 50% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine đã đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường mới.

Việc ba bang New York, New Jersey và Connecticut, từng là tâm dịch của nước Mỹ, thông báo mở lại hoàn toàn các hoạt động kinh tế-xã hội từ giữa tháng 5 là minh chứng rõ nhất cho thấy tính hiệu quả của vaccine.

Lợi thế từ chiến dịch tiêm chủng tạo đà cho gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 1.900 tỷ USD phát huy hết hiệu quả.

Kết thúc quý 1/2021, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ năm 1984. Cũng nhờ kết quả này mà DESA đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ từ 3,4% lên 6,2%.

Nền kinh tế Trung Quốc, vốn tê liệt trong suốt năm 2020, cũng đang phục hồi thần kỳ. Ngoài tiến bộ nhanh chóng trong chương trình tiêm chủng, với khoảng 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi, những chính sách kích thích kinh tế của chính phủ đã đưa nước này thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng và về đích với mức tăng trưởng ngoạn mục 18,3% trong quý 1/2021, cao nhất kể từ năm 1992.

Theo đánh giá của DESA, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ là 8,2%, thay vì 7,2% dự báo trước đó.

Tại châu Á, nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc, đang chứng kiến những dấu hiệu cải thiện.

Chính phủ Nhật Bản thông báo xuất khẩu và sản xuất của nước này đã phục hồi mạnh mẽ trong quý 1 vừa qua.

Vaccine COVID-19: "Liều thuốc" hồi sinh nền kinh tế toàn cầu ảnh 3Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu kể từ tháng 8/2018, Văn phòng Nội các Nhật Bản đánh giá các chỉ số kinh tế ở mức lạc quan nhất trong thang đo 5 mức.

Dù hạ mức dự báo tăng trưởng năm nay của Nhật Bản từ 2,7% xuống còn 2,6%, song chỉ số 2% của năm tới lại cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó.

Hàn Quốc cũng ghi nhận các chỉ số kinh tế lạc quan trong báo cáo “Xu hướng kinh tế tháng 5” của Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), theo đó, nền kinh tế Xứ Kim chi có dấu hiệu phục hồi, tập trung ở ngành chế tạo. Đây là lần đầu cụm từ “kinh tế hồi phục” được nhắc đến trong báo cáo của KDI kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

OECD đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2021, từ 3,3% lên 3,8%, cho rằng tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư gia tăng và chính sách kinh tế vĩ mô mở rộng là những yếu tố chủ chốt đang thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc.

Việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng đang tác động tích cực tới nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).

Dù trải qua 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp (quý 4/2020 và quý 1/2021), EU đang chứng kiến sự phục hồi đáng kể, trong đó riêng Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) được dự báo có thể đạt 4,3% năm nay và 4,4% năm tới, cao hơn nhiều so mức 3,8% trong dự báo hồi tháng 2, trong khi 27 nước thành viên EU sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,4% năm sau.

Tuy nhiên, khác với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này lại không đồng đều, một phần là vì sự khác biệt trong tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và quy mô các chính sách hỗ trợ kinh tế.

Sự chênh lệch trong hồi phục kinh tế giữa các nước có thể là yếu tố cản trở kinh tế thế giới nói chung sớm đạt được các mức như thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan Chase & Co. Bruce Kasman chia sẻ ông chưa từng thấy một sự chênh lệch nào lớn đến vậy trong suốt 20-25 năm qua giữa Mỹ cũng như các nước phát triển khác và các thị trường mới nổi.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva thừa nhận rằng triển vọng kinh tế nhìn chung đã cải thiện, nhưng giữa các nước đang có sự chênh lệch đáng báo động, đặc biệt việc tiếp cận với nguồn vaccine.

Châu Phi, Mỹ Latinh và nhiều khu vực ở châu Á được dự báo sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế do dịch bệnh bùng phát trong khi nguồn cung vaccine hạn chế.

Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới, cung cấp tới 60% nguồn vaccine, song đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng mặt hàng có ý nghĩa chiến lược trong chống dịch này.

Đến nay quốc gia Nam Á mới chỉ triển khai tiêm vaccine cho hơn 12% dân số, trong đó chỉ có 3,2% được tiêm đủ hai mũi.

Với tiến độ tiêm chủng chậm trễ, Bộ Thống kê Ấn Độ dự báo nền kinh tế lớn thứ ba châu Á sẽ giảm 7,3% trong năm tài chính 2020-2021, mức giảm mạnh nhất kể từ quốc gia này giành độc lập.

Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của quốc gia Nam Á này từ 13,7% xuống còn 9,3%, đồng thời đánh giá làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai nghiêm trọng đang cản trở đà phục hồi kinh tế và làm tăng rủi ro gây ra những tác động tiêu cực về dài hạn.

Một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Philippines, dịch bệnh bùng phát trở lại đang làm chệch hướng các mục tiêu kinh tế.

Riêng Philippines, GDP đã giảm tới 4,2% trong quý 1/2021, cao hơn cả ước tính của giới chuyên gia và đánh dấu quý thứ năm giảm liên tiếp.

Chỉ có Indonesia, nền kinh tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á, dù GDP cũng ghi nhận tới 4 quý giảm liên tiếp, song nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhanh, kinh tế nước này được dự báo có thể tăng 7% trong quý 2/2021.

Đối với Việt Nam, trong báo cáo công bố tháng trước, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm nay và 7% vào năm 2022.

Tuy nhiên, Giám đốc ADB phụ trách Việt Nam Andrew Jeffries cũng cảnh báo: “Vẫn còn những nguy cơ đáng kể trong năm 2021 và năm tiếp theo, trong đó có sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và sự chậm trễ trong chương trình tiêm vaccine.”

Vaccine COVID-19: "Liều thuốc" hồi sinh nền kinh tế toàn cầu ảnh 4ADB đánh giá Việt Nam có thể quay trở lại con đường tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch. (Ảnh: TTXVN)

ADB đánh giá việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đang chững lại trên toàn cầu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng Việt Nam có thể quay trở lại con đường tăng trưởng mạnh mẽ như trước đại dịch do sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài.

Ông Kenneth Atkinson, thành viên hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (BritCham Việt Nam) cũng cho rằng làn sóng dịch COVID-19 mới có thể sẽ "ảnh hưởng đến quý tài chính tiếp theo" của Việt Nam.

Dù vậy, trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động, tích cực chống dịch, đồng thời Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 theo phương châm "quyết liệt, thần tốc hơn nữa để có đủ vaccine sớm nhất tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng," ông Kenneth Atkinson vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam trong năm 2021.

Theo ông Atkinson, việc phong tỏa đường phố, đóng cửa các cơ sở kinh doanh và hạn chế đi lại có thể cản trở ngành du lịch và nền kinh tế nói chung của Việt Nam, song ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi, đạt mức tăng trưởng ấn tượng 2,91%.

Giới phân tích nhận định tình trạng kinh tế các nước trên thế giới hiện nay đã chứng tỏ vaccine là một trong những "liều thuốc" hữu hiệu để hồi sinh nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt và phân bổ vaccine không đồng đều giữa các khu vực có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu tác động của khủng hoảng dịch bệnh.

Những hệ lụy khôn lường có thể xảy ra nếu việc triển khai vaccine tiếp tục bị chậm trễ và không đầy đủ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng khẳng định: “cần bảo đảm rằng mọi người đều có thể tiếp cận vaccine” và “chỉ có bằng cách đó, chúng ta mới có thể đánh bại COVID-19 và xây dựng những xã hội, nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn." Bởi vậy, để thế giới có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, việc bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine bình đẳng trên toàn cầu có ý nghĩa quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục