"Văcxin" nào cho thị trường 2009

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, năm 2009, tình hình giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục biến động khó dự đoán bởi vậy việc đưa ra giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ được coi là liều "vắcxin" để phòng ngừa các tác động bất lợi đến nền kinh tế.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, năm 2009, tình hình giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục biến động khó  dự đoán bởi vậy việc đưa ra giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ được coi là liều "vắcxin" để phòng ngừa các tác động bất lợi đến nền kinh tế.

Lạm phát đan xen giảm phát?

Năm 2009 yếu tố lạm phát có thể đan xen với giảm phát, nên giá cả tiếp tục biến động khó lường. Nhận định này được nhiều chuyên gia tài chính đưa ra tại hội thảo "Toàn cảnh thị trường, giá cả và các giải pháp kiềm chế lạm phát năm 2008, dự báo năm 2009" do Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 30/12 tại Hà Nội.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế  Hà Nội, năm 2009 nguy cơ giảm phát tồn tại song hành với nguy cơ lạm phát. Xu hướng giảm phát chưa thật rõ rệt vì giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới tuy giảm, nhưng liên tục biến động... Nguy cơ lạm phát tăng cao vẫn rình rập vì lạm phát cơ cấu và chi phí đẩy chưa cải thiện nhiều; nguy cơ giá xăng dầu tăng trở lại do sản lượng bị cắt giảm mạnh; thời tiết biến động bất thường...

Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Kim Thanh lo ngại: Tuy những tháng cuối năm 2008 tốc độ tăng lạm phát chậm lại, nhưng nguyên nhân gây ra lạm phát vẫn còn, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu suy giảm. Giá cả thế giới giảm mạnh bắt nguồn từ suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động đến kinh tế Việt Nam, nên có thể gây ra sự đảo chiều từ lạm phát sang thiểu phát.

Xuất phát từ tính chất phức tạp trên, Chính phủ xác định trong năm 2009 sẽ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng mềm dẻo trong kích cầu đầu tư, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, mục tiêu điều hành giá trong năm 2009 là tiếp tục theo hướng ổn định, không để xảy ra đột biến lớn. Nỗ lực giữ chỉ số giá tiêu dùng bằng nửa tốc độ tăng của năm 2008, góp phần thực hiện mục tiêu chung là tiếp tục kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô...
 
 "Vắcxin" không thiếu

Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng muốn hóa giải diễn biến khó lường của tình hình giá cả năm 2009, cần áp dụng đồng bộ, mềm dẻo các giải pháp về điều hành sản xuất, giá cả, tài khóa, tiền tệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với tiếp tục quan tâm tháo gỡ sản xuất, cần kích cầu tiêu dùng hợp lý, nhằm giúp cung và cầu gần nhau hơn. Từ đó tạo thuận lợi cho việc hình thành một mặt bằng giá mới có lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, sắp tới nên duy trì ưu tiên thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu. Đi liền với đó là nhanh chóng thực hiện có hiệu quả chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng như chỉ đạo của Chính phủ.

Phân tích rõ hơn hướng kích cầu đầu tư và tiêu dùng, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả nói: "Hướng thúc đẩy đầu tư trong nước là chú trọng nới lỏng gánh nặng cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế, gồm cả thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT. Điều này góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh để kéo giá hàng hóa, dịch vụ giảm. Đây là biện pháp hữu hiệu để đưa chúng về giá trị thật, phù hợp với thu nhập và sức mua của đại bộ phận dân cư, nhằm đạt mục tiêu kích cầu hiệu quả, bền vững".

"Nghệ thuật" điều hành tài khóa, tiền tệ đòi hỏi phải tiếp tục biến hóa hơn trong thời gian tới. "Năm 2009, chính sách tiền tệ, tín dụng nên duy trì điều hành linh hoạt thông qua giảm lãi suất cơ bản phù hợp với diễn biến của giá cả, lạm phát, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với vốn. Cũng cần cấp tín dụng cho các dự án tốt, có hiệu quả, kể cả các dự án liên quan đến bất động sản, chứng khoán", tiến sĩ Vũ Đình Ánh đề nghị.

Chia sẻ quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đề xuất cần có sự đồng bộ hơn nữa giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ từ khâu hoạch định chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đây là điều kiện nền tảng cho phép đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, để chủ động trong điều hành giá cả, các chuyên gia cũng kiến nghị tăng cường kiểm soát độc quyền; tổ chức lại hệ thống thông tin kinh tế, mạng lưới phân phối để giúp người dân, doanh nghiệp hướng sản xuất, kinh doanh hiệu qủa; đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất các mặt hàng thiết yếu, không để mất cân đối cung cầu./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục