VAFI đề xuất thành lập tổ chức bảo vệ nhà đầu tư

VAFI nói các thị trường chứng khoán phát triển đều có định chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và thị trường Việt Nam cũng phải như vậy.
Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất ý kiến với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cần thiết phải có một tổ chức bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trong các tình huống công ty chứng khoán giải thể, phá sản hay lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính mà không có khả năng đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư.

Theo VAFI, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 100 công ty chứng khoán hoạt động. Việc có quá nhiều công ty chứng khóan đã dẫn đến tình trạng phân tán nguồn nhân lực quản trị cấp cao, chất lượng hoạt động của nhiều công ty không đạt yêu cầu.

Cùng với đó, sự cạnh tranh gay gắt đã khiến nhiều công ty chứng khoán phải bằng mọi giá thu hút khách hàng đầu tư. VAFI đơn cử một nghiệp vụ ẩn chứa rủi ro nhất là dịch vụ cho sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức quá cao đang gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thị trường, liên quan đến quản lý rủi ro về vốn của công ty chứng khoán và tiền, chứng khoán của nhà đầu tư.

Hiệp hội cũng chỉ ra kinh nghiệm một số nước đi trước, đã thực hiện rất tốt công tác bảo vệ nhà đầu tư như Công ty bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPC). SIPC là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập năm 1970 của Mỹ, với nhiệm vụ là hoàn trả chứng khoán, tiền hoặc các loại chứng khoán khác cho nhà đầu tư trong trường hợp  công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính và tài sản của nhà đầu tư bị mất và không bảo hiểm cho lỗ trong đầu tư.

Hay, Trung tâm bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SFIPC) Đài Loan, được thành lập năm 2002. SFIPC có nhiệm vụ đại diện nhà đầu tư tham gia tranh tụng với công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán bù trừ; chất vấn tình hình hoạt động tài chính của các tổ chức phát hành, các công ty chứng khoán, các công ty dịch vụ chứng khoán và các công ty kinh doanh sản phẩm tương lai; cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, kinh doanh chứng khoán và các sản phẩm tương lai. Ngoài ra, SFIPC còn có các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo sự ủy nhiệm của Ủy ban Chứng khoán.

Với vai trò là một tổ chức đại diện vào bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, SFIPC được trao các đặc quyền  yêu cầu trợ giúp và cung cấp tài liệu cần thiết, quyền kiến nghị Ủy ban Chứng khoán các vi phạm nghĩa vụ hỗ trợ, cung cấp hồ sơ và tài liệu cần thiết, quyền làm cơ quan hòa giải tranh chấp trên cơ sở yêu cầu của nhà đầu tư chứng khoán, quyền khởi kiện, tố tụng nhân danh nhà đầu tư khi được ủy quyền từ tối thiểu 20 nhà đầu tư có quyền lợi bị xâm phạm và quyền sử dụng quỹ bảo vệ nhà đầu tư để chi trả thiệt hại khi các công ty chứng khoán gặp khó khăn về tài chính.

“Tất cả các nước có thị trường chứng khoán phát triển đều có định chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư do nhà nước xúc tiến thành lập và Việt Nam cũng vậy, cần thành lập một công ty bảo vệ nhà đầu tư. Vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đưa nội dung này vào luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và đây cũng là góp ý của VAFI vào dự luật,” luật sư Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch VAFI khẳng định./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục