Vai trò của các quốc đảo Thái Bình Dương đối với Ấn Độ

Việc tái đưa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành một khu vực địa chiến lược, mở rộng quan hệ với các quốc đảo trong khu vực càng trở nên quan trọng hơn đối với Ấn Độ.
Vai trò của các quốc đảo Thái Bình Dương đối với Ấn Độ ảnh 1

Ấn Độ và các quốc đảo Nam Thái Bình Dương từ lâu đã có các mối quan hệ song phương và đa phương có ý nghĩa.

Với việc tái đưa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành một khu vực địa chiến lược, mở rộng quan hệ với các quốc đảo trong khu vực càng trở nên quan trọng hơn đối với Ấn Độ.

Tác giả Kanchi Mathur vừa có bài viết đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA), trong đó bàn về vai trò của các quốc đảo Thái Bình Dương đối với Ấn Độ trong tình hình mới.

Định hướng chiến lược của Ấn Độ hiện nay ngày càng nghiêng về khu vực Đông Nam Á và thậm chí hướng về các quốc gia đối tác tại Nam Thái Bình Dương.

Một khía cạnh chính trong sự tham gia của Ấn Độ tại khu vực có liên quan đến sự liên kết của nước này với các quốc đảo Thái Bình Dương (PIC), bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, Nauru, Samoa, Quần đảo Solomon, Palau, Papua New Guinea, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.

Ấn Độ đã có mối quan hệ thân thiện lâu dài với nhiều quốc gia PIC, ví dụ như với Fiji từ năm 1981 khi Thủ tướng Indira Gandhi đến thăm quốc gia này.

Ấn Độ đã tích cực tham gia thiết lập các mối quan hệ kinh tế, chính trị và chiến lược sâu sắc với PIC; là thành viên tích cực tham gia Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) từ năm 2002.

Ấn Độ và PIC đã tích cực hợp tác trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Năm 2017, Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị Phát triển Bền vững Ấn Độ- quốc đảo Thái Bình Dương tại Suva.

[Đối thoại cấp cao về Hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Những nỗ lực của Ấn Độ trong việc đảm bảo hợp tác nhiều hơn với PIC trong các vấn đề biến đổi khí hậu, tài nguyên biển, nghề cá và nền kinh tế xanh đã giúp Ấn Độ thiết lập các khu vực hội tụ lớn hơn với PIC.

Năm 2014, Ấn Độ đã đề nghị viện trợ 125.000 USD ngay sau khi Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ-quốc đảo Thái Bình Dương (FIPIC) được thành lập.

FIPIC là một nhóm đa quốc gia nhằm tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và 14 quốc đảo Thái Bình Dương. FIPIC đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao thông tin và hỗ trợ quan trọng liên quan đến triển vọng thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và các quốc đảo Thái Bình Dương, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Ấn Độ và các quốc đảo Thái Bình Dương.

Thông qua văn phòng thương mại FIPIC ở New Delhi, Ấn Độ cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại PIC để tạo điều kiện tiếp cận thị trường nhiều hơn cho các quốc đảo này trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập các trung tâm ứng dụng kỹ thuật vũ trụ, năng lực phát hiện không gian để thiết lập bản đồ nước, thủy sản, tài nguyên rừng, thời tiết và biến đổi khí hậu.

Trung tâm Ứng dụng Không gian (SAC) là một trong những trung tâm lớn của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), tập trung thiết kế các công cụ truyền trong không gian, phát triển và vận hành các của công nghệ vũ trụ bao gồm truyền thông, phát sóng, điều hướng, khí tượng, hải dương học, giám sát môi trường và khảo sát tài nguyên thiên nhiên.

Bằng cách đầu tư vào các trung tâm như vậy, Ấn Độ có kế hoạch mở rộng dấu ấn chiến lược ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Việc tái định hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một khái niệm địa chính trị và địa chiến lược nhằm mục đích thúc đẩy hội tụ kinh tế, chính trị và chiến lược lớn hơn giữa Ấn Độ và các cường quốc lớn và mới nổi khác trong khu vực, cụ thể là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Indonesia, Hàn Quốc và Singapore.

Khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang lại cho Ấn Độ cơ hội hoàn hảo để tối đa hóa quan hệ hữu nghị với các đối tác Thái Bình Dương và thiết lập nền tảng vững chắc hơn với các cường quốc mới nổi khác, bao gồm cả PIC.

Mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc và các hiệp hội như ASEAN sẽ rất cần thiết trong việc mở rộng quan hệ của Ấn Độ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Hiện nay PIC và các cường quốc như Anh, Australia, New Zealand, Mỹ và Nhật Bản đang có mối quan hệ kinh tế và chính trị sâu sắc.

Mối quan hệ ngoại giao và chiến lược chặt chẽ của Ấn Độ và Mỹ sẽ đảm bảo rằng Ấn Độ có cơ hội cũng như sự hỗ trợ ngoại giao để mở rộng phạm vi hiện diện chiến lược tại PIC.

Tương tự, vai trò và sự hiện diện của Ấn Độ trong các diễn đàn tư vấn như Sáng kiến An ninh Tứ giác (Quad) sẽ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các trách nhiệm của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vai trò và ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của Ấn Độ với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung cũng có thể giúp nâng cao vai trò của Ấn Độ tại Nam Thái Bình Dương; góp phần củng cố mối quan hệ đối tác của Ấn Độ với PIC.

Tương tự, sự liên kết chiến lược và quốc phòng của Ấn Độ với Australia là một yếu tố rất quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ với PIC. Thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác lên Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Ấn Độ và Australia gần đây sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho Ấn Độ trong việc mở rộng chiến lược ở Nam Thái Bình Dương.

Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy các nỗ lực của Ấn Độ hợp tác hơn nữa với PIC là sự mở rộng sâu rộng và không ngừng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ thập niên 1980 thông qua chiến lược "chuỗi đảo" và hỗ trợ tài chính dễ dàng cho các PIC mới nổi.

"Chuỗi đảo" là một khái niệm chiến lược của Mỹ được sử dụng để minh họa một chu vi phòng thủ hoặc tấn công bằng cách liên kết các đảo và các lục địa với nhau. Khái niệm này sau đó đã được nhắc lại bởi Đô đốc Lưu Hoa Thanh, chỉ huy Lực lượng Hải quân Trung Quốc (PLAN) hồi thập niên 1980, người đã hình dung "quyền chỉ huy chuỗi đảo đầu tiên" là mục tiêu cuối cùng để hiện đại hóa hải quân Trung Quốc hồi thập niên 1980.

Hiện tại có 3 chuỗi đảo, chuỗi đảo đầu tiên là John Foster Dulles trải dài từ quần đảo Kurils và quần đảo Ryukyu đến Đài Loan (Trung Quốc), Philippines và Indonesia.

Chuỗi đảo thứ hai trải dài từ Nhật Bản qua khu vực Marianas và Micronesia, và chuỗi đảo thứ ba tập trung tại khu vực quần đảo Hawaii.

Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2017 đã chi khoảng 1,21 tỷ USD và cam kết gần 5,7 tỷ USD cho PIC. Trung Quốc cũng đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Tại các quốc gia như Papua New Guinea, Trung Quốc đã tài trợ 85 triệu USD để nâng cấp đường sá vào năm 2017. Tại Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế Trung Quốc-quốc đảo Thái Bình Dương hồi tháng 10/2019, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn mở rộng thương mại và đầu tư trong PIC, đồng thời tăng cường hợp tác nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng và tài nguyên, du lịch.

Ở các quốc gia như Tonga, người gốc Hoa kiểm soát gần 80% lĩnh vực bán lẻ của đất nước. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên thể hiện sự quan tâm đến việc tăng cường kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên của PIC, như khoáng sản, cá và các sản phẩm từ biển.

Nguy cơ Trung Quốc sử dụng PIC để xây dựng các căn cứ hải quân lưỡng dụng là một mối đe dọa thực sự đối với Ấn Độ vì điều này có thể trực tiếp làm cho vị trí địa chiến lược của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bị tổn thương.

Ngoài ra, điều này cũng có thể gia tăng thách thức đối với các đối tác và đồng minh của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Nam Thái Bình Dương.

Điều đó có thể làm tăng áp lực lên Ấn Độ vì nhiều quốc gia coi Ấn Độ là "cán cân" đối trọng với Trung Quốc theo quan điểm của Ấn Độ.

Mặc dù sự tham gia của Ấn Độ ở Nam Thái Bình Dương và phát triển mối quan hệ với PIC phần lớn là tích cực, nước này vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Trong khi Ấn Độ hỗ trợ hoàn toàn phát triển công nghệ và chiến lược trong PIC, nhưng vẫn chưa bao gồm PIC và Nam Thái Bình Dương như là nhân tố cốt lõi trong chiến lược hàng hải.

Các nhà phân tích cho rằng đánh giá của Ấn Độ về PIC trong chiến lược hàng hải của nước này là quá hạn chế. Mỹ, một đối tác quan trọng của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã bày tỏ sự quan tâm rõ ràng đối với PIC nhằm giải quyết "những thách thức chung và thúc đẩy tầm nhìn chung" về khu vực.

Ngay cả khi điều quan trọng đối với Ấn Độ là phải công nhận vị trí địa chiến lược của PIC, một lý do chính khiến Ấn Độ chưa nhìn PIC qua lăng kính chiến lược là khoảng cách địa lý quá lớn giữa Ấn Độ với hầu hết PIC.

Những cân nhắc này của Ấn Độ có thể cần được xem xét lại trong bối cảnh địa chính trị hiện nay khi một trong những quốc gia đối tác thân cận nhất và mạnh nhất của Ấn Độ như Mỹ đã tích cực nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của PIC.

Mặc dù vậy, có một nhu cầu gia tăng để giải quyết tầm quan trọng địa chiến lược và địa kinh tế của khu vực Nam Thái Bình Dương tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đặc biệt là PIC.

Khu vực này cung cấp nhiều cơ hội kinh tế, chính trị và chiến lược mà Ấn Độ có thể sử dụng để tạo lợi thế. Việc liên kết với các quốc gia này cũng có thể khiến Ấn Độ trở thành một cường quốc đáng tin cậy hơn trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục