Vai trò của Nga trong việc chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan

Khi các cuộc pháo kích vẫn nã vào các khu vực dân sự của cả hai bên với tần suất thường xuyên và cường độ lớn hơn, có một sự im lặng đáng sợ từ Nga.
Vai trò của Nga trong việc chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan ảnh 1 Cảnh đổ nát tại một nhà thờ ở thị trấn Shusha, khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh trong cuộc xung đột giữa lực lượng Armenia và binh sỹ Azerbaijan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng edition.cnn.com, đã có lúc, họ có vẻ giống như những người bạn: Hai nhà lãnh đạo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dường như thường xuyên điện đàm với nhau; Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và chính vì điều đó mà Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35; và Thổ Nhĩ Kỳ dường như bất ngờ thân thiết với Moskva hơn là với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, điều đó hiện thay đổi ra sao?

Sau những bất đồng tại Syria, ủng hộ các bên đối nghịch ở Libya và nói chung là cảm thấy khó chịu với nhau khi mỗi bên đều cố tận dụng việc Mỹ rút quân khỏi khu vực, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã không còn điện đàm nóng với nhau nữa.

Trên thực tế, trong bối cảnh cuộc giao tranh đang diễn ra và ngày càng leo thang giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorny-Karabakh, ông Erdogan có lẽ đã đẩy ông Putin vào một trong những tình thế phức tạp nhất trong nhiều năm qua.

[Lệnh ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh: OSCE hoan nghênh vai trò của Nga]

Việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch của Azerbaijan, và việc nước này nhiều khả năng đã tạo điều kiện cho lính đánh thuê người Syria hỗ trợ Azerbaijan - điều mà Thổ Nhĩ Kỳ chính thức phủ nhận - đã nhanh chóng đẩy Azerbaijan  vào một cuộc giao tranh tàn bạo.

Armenia đã đề nghị khôi phục các hình thức đàm phán trước đây, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và thề sẽ tiếp tục cuộc chiến.

Khi các cuộc pháo kích vẫn nã vào các khu vực dân sự của cả hai bên với tần suất thường xuyên và cường độ lớn hơn, có một sự im lặng đáng sợ từ Nga.

Nhà môi giới quyền lực chính trị ở khu vực này (Nga) - là láng giềng với Azerbaijan nhưng lại liên minh an ninh chính thức với Armenia - đã sử dụng con đường ngoại giao để yêu cầu các bên ngừng bắn, nhưng cho đến nay vẫn chứng kiến mớ bòng bong đang diễn ra ở sân sau của họ mà không thể hiện một vai trò ảnh hưởng rõ rệt nào.

Armenia dường như không đủ khả năng kỹ thuật để chống lại các thiết bị bay không người lái và tốc độ tấn công của Azerbaijan, nhưng lại đang mở rộng xung đột (theo cáo buộc của Azerbaijan) bằng cách pháo kích vào các thành phố chính của Azerbaijan.

Đây là thời điểm mà theo truyền thống, Điện Kremlin có thể sẽ đe dọa, ve vãn hoặc không kích để buộc tất cả các bên trở lại trật tự cũ đã được thiết lập, đồng thời nhắc nhở người hàng xóm nhớ rằng ai là “ông chủ” của họ trong kỷ nguyên Liên bang Xôviết kéo dài nhiều thập kỷ.

Thế nhưng, Nga đã không làm như vậy, và cũng không rõ lý do tại sao. Cuối tuần trước, ông Putin đã thảo luận với hội đồng an ninh của ông thông qua hình thức trực tuyến, và đến trưa 5/10, trang web của Điện Kremlin cho biết ông Putin đã thảo luận vấn đề này cùng một số vấn đề khác với người đồng cấp Tajikistan.

Có một vấn đề gây tranh cãi là việc Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người lên nắm quyền sau cuộc “Cách mạng Nhung” năm 2018, yêu cầu cải cách theo kiểu phương Tây, chính là hình mẫu mà đồng minh Moskva không thích.

Ông Pashinyan đã tiến một cách thận trọng đến gần hơn với Liên minh châu Âu (EU), trong khi vẫn cân bằng các mối quan hệ kinh tế mật thiết với Nga. Do đó, có lẽ Nga muốn để nhà lãnh đạo của Yerevan toát mồ hôi, và thậm chí có thể thất bại, coi đó là hình phạt cho các chính sách của ông.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là Nagorny-Karabakh, một vùng đồi núi nằm bên trong biên giới của Azerbaijan, xuất hiện một cách bất thường và khó hiểu trên bản đồ - đơn giản là không có đủ giá trị chiến lược để Moskva tiếp tục quan tâm đầu tư quân sự hay chính trị.

Vai trò của Nga trong việc chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan ảnh 2Một tòa nhà bị hư hại sau vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và binh sỹ Azerbaijan tại thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế nhưng, Armenia lại có giá trị lâu dài đối với Điện Kremlin, điều mà họ đã nhấn mạnh hồi tháng 8 vừa qua khi bán thêm vũ khí với mức chiết khấu cho thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) này, bất chấp sự tức giận của một Azerbaijan giàu có hơn.

CSTO dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận trong tuần này tại Belarus, với tên gọi “Tình anh em không thể phá vỡ” nhưng Armenia hôm 5/10 đã tuyên bố rút lui với lý do áp lực của cuộc xung đột.

Armenia rõ ràng đã không nằm ngoài tầm ngắm an ninh của ông Putin. Trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng, ông Pashinyan đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Putin.

Ở Phương Tây có một xu hướng thêu dệt rằng mọi thứ xung quanh ông Putin đều do ông ấy thiết kế. Câu chuyện thường được kể là người đứng đầu Điện Kremlin - với khả năng võ thuật siêu đỉnh - thường tỏ ra vượt trội hơn đối thủ, linh hoạt hơn, hiếm khi thua cuộc và ít mất thăng bằng, và có tầm nhìn địa chính trị xa hơn so với các nền dân chủ phản đối ông.

Ông Putin quan sát các cuộc khủng hoảng xuất hiện, và can dự một cách khôn ngoan vào các cuộc khủng hoảng đó bằng hành động quyết đoán, trong khi Mỹ hay châu Âu chỉ đơn thuần bày tỏ các mối quan ngại của họ bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể.

Tuy nhiên, gần đây Điện Kremlin đã can dự quá nhiều. Moskva hiện có các lực lượng (ủy nhiệm) tại Ukraine, Syria và Libya (theo lời các quan chức Mỹ).

Nga cũng hỗ trợ khẩn cấp cho ông Alexander Lukashenko ở Belarus với quy mô và hình thức không được công bố. Đó là 4 cuộc khủng hoảng riêng biệt, tất cả đều đang tiếp diễn. Liệu Kremlin có đủ nguồn lực cho một cuộc khủng hoảng thứ 5 hay không?

Việc đưa sức mạnh quân sự Nga vào cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh sẽ không đơn giản. Nga có các căn cứ ở Yerevan và Gyumri thuộc Armenia, nhưng sẽ phải điều thêm quân và trang thiết bị bằng đường không, hoặc nài nỉ Gruzia cho phép trung chuyển qua lãnh thổ nước này.

Hơn nữa, giờ cũng đã muộn. Azerbaijan dường như có ưu thế hơn về kỹ thuật và chiến lược, mặc dù Ankara bác bỏ cáo buộc trực tiếp của Pháp rằng một phần trong số trang thiết bị đó do không quân Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho các lính đánh thuê người Syria.

Ông Putin cũng không cảm thấy thoải mái với các vấn đề trong nước. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò gần đây chỉ mới phục hồi sau đại dịch COVID-19, cùng với đó là sự bất bình chính trị trong nước. Nền kinh tế Nga vẫn đang gặp khó khăn. Trong khi đó, Belarus còn lâu mới hết bất ổn.

Có lẽ giờ không phải là lúc tiến hành một cuộc phiêu lưu quân sự mới và vô thời hạn? Tuy nhiên, nếu trường hợp đó xảy ra, điều đó sẽ gây ngạc nhiên tương tự như sự vắng mặt quan trọng khác của Mỹ.

Theo truyền thống, để thể hiện vai trò lớn trong việc ổn định tình hình khu vực Caucasus vốn đầy biển động, phản ứng đầu tiên của Washington đối với cuộc giao tranh tại Nagorny-Karabakh là việc Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun điện đàm với ngoại trưởng của cả hai nước.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã làm tăng thêm cảm giác về sự thờ ơ của Mỹ khi tuyên bố với hãng Fox News rằng: “Chúng tôi không khuyến khích quốc tế hóa vấn đề này. Chúng tôi cho rằng các thế lực bên ngoài nên đứng ngoài cuộc. Chúng tôi hối thúc ngừng bắn.” Về cơ bản, Mỹ không quan tâm và có chút gì đó sao nhãng.

Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ ra quyết đoán và khu vực đang chao đảo, nếu Nga cũng sao nhãng và không quan tâm, hậu quả sẽ là gì?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục