Mặc dù đã đạt được các thành tựu ấn tượng khi thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về y tế, nhưng Việt Nam vẫn đứng trước thách thức phải kéo xích lại gần nhau khoảng cách chăm sóc sức khỏe người dân giữa các nhóm dân cư khác nhau và giữa các vùng, miền trong cả nước.
Thông tin trên vừa được đưa ra trong hội nghị quốc gia đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) liên quan đến y tế và đáp ứng của Việt Nam đối với chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ và trẻ em do Bộ Y tế và Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, hướng tới đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế.
Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về mục tiêu MDG năm 2010, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận những thành tựu này và đứng hàng thứ 6 vì đạt được cả những tiến bộ tuyệt đối và tương đối.
Ông Tiến cho hay, thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam bước đầu đã thành công trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trong thời gian qua đã giảm từ 233/100.000 ca đẻ sống (năm 1990) xuống còn 69/100.000 ca đẻ sống (năm 2009); tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm từ 44,4/1.000 ca đẻ sống (năm 1990) xuống còn 14/1.000 ca đẻ sống (năm 2011).
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống HIV/AIDS. Năm 2011 có 19.500 ca nhiễm mới HIV mỗi năm, giảm 30% so với năm 2001 và cũng có rất nhiều tiến bộ quan trọng trong một số hoạt động phòng chống dịch bệnh như: Lao, Sốt rét, Vệ sinh môi trường...
Tuy nhiên ông Tiến cũng thừa nhận, vẫn còn sự khác biệt và khoảng cách trong việc chăm sóc sức khỏe người dân giữa các vùng, miền trong cả nước.
"Để đạt được sự công bằng trong y tế hiện nay là rất khó do có sự tách biệt giữa các vùng miền và các nhóm dân số. Một số chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực dinh dưỡng, tử vong mẹ, điều trị HIV, lao, nước sạch và vệ sinh môi trường chưa đạt được hoàn toàn," lãnh đạo ngành y tế nói.
Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao, ở mức 32%. Tỷ suất chết ở người mẹ ở 62 huyện nghèo nhất cao gấp 5 lần tỷ suất trung bình của cả nước. Đặc biệt, tỷ suất chết ở trẻ em tại những tỉnh khó khăn cao gấp từ 5-6 lần so với một số tỉnh, thành phát triển hơn.
Phát biểu tại hội nghị, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu của các mục tiêu MDG liên quan đến y tế như xóa đói giảm nghèo, tử vong ở trẻ em, sức khỏe bà mẹ… đem lại lợi ích cho cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái, cả nam giới lẫn phụ nữ. Những tiến bộ này đạt được là do có sự cam kết chính trị và tài chính mạnh mẽ của Chính phủ.
Đề cập đến tình trạng Việt Nam vẫn còn sự khác biệt và không công bằng về tình hình y tế giữa các nhóm dân cư khác nhau và giữa các vùng miền trong cả nước, bà Pratibha Mehta khuyến nghị: "Việt Nam cần phổ cập các gói dịch vụ thiết yếu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em có lồng ghép can thiệp dinh dưỡng. Bên cạnh đó, công tác phòng chống HIV nên tập trung vào các nhóm dân số dễ tổn thương khác, bao gồm nhóm thanh niên dẽ bị tổn thương. Cần phải xóa bỏ các rào cản về mặt địa lý và tài chính bằng việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cộng đồng để có thể cung cấp chăm sóc y tế cơ bản.”
Trong một ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận xung quanh 4 chủ đề là: tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan về y tế; Phân tích tính công bằng trong việc thực hiện các mục tiêu trên; Đáp ứng của Việt Nam đối với chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ và trẻ em; Xác định các ưu tiên về y tế nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan về y tế đến năm 2015 và sau năm 2015.
Tại hội nghị, Bộ Y tế và cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã cam kết bảo đảm giảm sự không công bằng trong tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc y tế vào năm 2015, đặc biệt trong nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Bộ Y tế và cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đưa ra thông điệp kêu gọi sự gia tăng nỗ lực để thúc đẩy đạt được tiến trình mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến y tế nhằm phổ cập các dịch vụ chăm sóc y tế vào năm 2015./.
Thùy Giang (Vietnam+)