Vẫn còn nhiều rào cản trong cho vay để trả nợ ngân hàng khác

Theo tìm hiểu, dù mức lãi suất cho vay đã giảm mạnh nhưng khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đảo nợ không dễ thực hiện do vướng khoản lãi phạt cao và thủ tục không hề đơn giản.
Vẫn còn nhiều rào cản trong cho vay để trả nợ ngân hàng khác ảnh 1Nhiều ngân hàng công bố cho vay để cho vay ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi, nhưng đi vào triển khai vẫn còn vướng mắc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay khi Thông tư 06 có hiệu lực, các ngân hàng đã dồn dập thông báo đến khách hàng về việc cho vay để trả nợ ngân hàng khác, tiên phong vẫn là các ngân hàng trong nhóm Big4. Nhiều người đã háo hức tìm hiểu về thông tin này muốn được chuyển khoản vay sang ngân hàng khác để giảm bớt số tiền lãi phải trả.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, dù mức lãi suất cho vay đã giảm còn từ 5,6%/năm nhưng khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đảo nợ cũng không dễ thực hiện do vướng khoản lãi phạt cao và thủ tục cho vay không hề đơn giản.

Ngân hàng “đua” hạ lãi suất để cho vay

Trước kia, nếu muốn chuyển khoản vay từ ngân hàng A sang ngân hàng B có lãi suất thấp hơn, người vay sẽ phải tìm cách vay nóng một khoản tiền để tất toán khoản vay, sau đó mới làm hồ sơ vay mới tại ngân hàng khác. Tuy nhiên, hiện người dân có thể chuyển hồ sơ sang vay luôn ngân hàng B.

Việc cho vay trả nợ trước hạn thực chất đã được thực hiện với các doanh nghiệp từ trước với mục đích cho vay kinh doanh. Điểm mới là nay Ngân hàng Nhà nước cho phép mở rộng sang áp dụng cho cả các khoản vay tiêu dùng, cá nhân.

Đối tượng vay là khách hàng đang vay vốn sản xuất, kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay.

[Khách hàng có thể vay vốn tại Vietcombank để trả nợ tại ngân hàng khác]

Quy định này đang được kỳ vọng sẽ khiến các ngân hàng phải cạnh tranh hơn, tạo mặt bằng lãi suất vay thấp hơn để giữ chân người vay vốn.

Ngay trong tuần qua, một số ngân hàng đã bắt đầu tung ra các chương trình cho vay mới từ đầu tháng Chín nhằm phục vụ khách muốn trả nợ ngân hàng khác. Thời gian cho vay của nhiều ngân hàng kéo dài tới 30 năm, điều kiện là không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại tổ chức tín dụng khác.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng công bố sớm nhất chính sách này với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, nếu cố định trong 24 tháng đầu lãi suất là 8%/năm.

Tiếp đến là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất 6%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 6,8%/năm với các khoản vay trung và dài hạn thực hiện theo Thông tư 06.

Không chịu “thua kém” Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn cả huy động chỉ từ 5,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…).

Sau khi 3 "ông lớn" trong nhóm Big4 tung ra chương trình ưu đãi, một số ngân hàng cổ phần đã công bố mức lãi suất hấp dẫn để thu hút người đi vay đáo hạn khoản nợ cũ.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.

Vẫn còn nhiều rào cản trong cho vay để trả nợ ngân hàng khác ảnh 2Big4 luôn là những ngân hàng đi tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng tung chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.

Sự "mở màn" của những ngân hàng này được nhận định sẽ kéo thêm nhiều tổ chức tín dụng đưa ra mức lãi suất ưu đãi, vừa giúp khách hàng được vay với mức lãi rẻ, vừa giúp ngân hàng cải thiện tăng trưởng tín dụng.

Vẫn còn nhiều rào cản

Về phía khách hàng, sau khi các ngân hàng triển khai chương trình này cũng đã nôn nóng muốn được chuyển khoản vay sang ngân hàng khác để giảm bớt số tiền lãi phải trả. 

Chị Nguyễn Thu Thảo, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết hiện đang còn nợ ngân hàng 800 triệu đồng với lãi suất 12,5% và nếu lãi suất các ngân hàng đưa ra thấp hơn từ 2%-3% so với ngân hàng cũ chị sẽ cân nhắc, nhưng nếu lãi suất chỉ thấp hơn chút ít mà thủ tục phức tạp thì chị cũng sẽ khó có thể "đảo nợ".

Không giống như chị Thảo, chị Thùy Dung (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết đang xem xét vay ngân hàng khác để trả nợ khoản vay mua ôtô. Lãi vay mới khá hấp dẫn, thấp hơn 3%/năm so với mức mà chị hiện đang vay. Tuy nhiên, nếu làm hồ sơ vay mới thì chị phải thế chấp căn hộ thay vì chính chiếc xe. Hơn nữa, phí phạt trả nợ trước hạn ngân hàng đang vay là 1,8% cũng khiến chị quan ngại...

Nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần thông tin những ngày gần đây khá nhiều khách hàng đến hỏi về chương trình này. Hầu hết người vay đều nghĩ rằng chỉ cần thông báo với ngân hàng rằng muốn vay trả nợ ngân hàng khác là sẽ được giải ngân trả món nợ cũ, rồi rút tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để làm thủ tục thế chấp với ngân hàng mới. Tuy nhiên, trên thực tế không phải vậy.

Vẫn còn nhiều rào cản trong cho vay để trả nợ ngân hàng khác ảnh 3Tài sản thế chấp cho những khoản vay trên là bất động sản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Qua tìm hiểu của phóng viên thì được biết với người có hai tài sản thế chấp thì khá dễ dàng vì có thể thế chấp căn nhà/mảnh đất khác để vay tại ngân hàng mới với mục đích trả nợ khoản vay cũ, sau đó lấy tiền trả nợ và rút tài sản thế chấp kia về. Tương tự với người có sẵn tiền mặt cũng có thể trả nợ rồi rút tài sản thế chấp để đi vay tại ngân hàng khác. Nhưng với người chỉ có một tài sản thì khá khó khăn vì ngân hàng không thể cho vay tín chấp một khoản lớn trước rồi mới nhận tài sản thế chấp sau.

Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách cho vay trả nợ ngân hàng khác mới phát hành, Công ty chứng khoán ACBS cho rằng phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

"Thông thường các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1%-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng," báo cáo nêu.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người vay cần đọc kỹ hợp đồng và thỏa thuận cụ thể với ngân hàng khi vay ngân hàng khác để trả nợ trước hạn nhằm tránh thiệt thòi./.

Tin cùng chuyên mục