Vấn đề xe công làm "nóng" phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tính đến thời điểm ngày 31/7, khối cơ quan nhà nước đang sử dụng 16.653 xe ôtô công, tình hình quản lý sử dụng xe công sai mục đích đã giảm nhiều nhưng số lượng xe công vẫn còn lớn.
Vấn đề xe công làm "nóng" phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 3, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian qua; đồng thời thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đều nhìn nhận đây là dự án luật khó, ban soạn thảo đã phải rà soát tới 49 luật và nhiều văn bản dưới luật, phải thẩm tra rất kỹ càng. Phạm vi điều chỉnh của luật không chỉ là vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công mà điều chỉnh cả quyền, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là vấn đề quá lớn, đối tượng rộng. Một số ý kiến cho rằng, việc đổi tên từ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) thành Luật quản lý, tài sản công là hợp lý, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật dân sự 2015.

Phân loại tài sản công: Không nên cầu toàn

Các đại biểu cho rằng bên cạnh những quy định mới tiến bộ, Dự thảo còn lúng túng trong việc xác định khái niệm về tài sản công, một số yêu cầu về quản lý và sử dụng chưa được đề cập đầy đủ. Dự thảo luật chỉ mang tính liệt kê một số loại tài sản mà không đưa ra được định nghĩa chung nhất về các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Việc liệt kê các loại tài sản và cơ quan quản lý, sử dụng tài sản dẫn đến không đủ tính bao quát, không phù hợp với xu thế phát triển, vận động và thay đổi của nền kinh tế.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để định nghĩa lại về tài sản công mang tính bao quát và quy định ngay các nhóm loại tài sản trong phần khái niệm để phù hợp với Hiến pháp và đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, đối với tài sản chưa có luật chuyên ngành điều chỉnh thì điều chỉnh tại luật này. Luật điều chỉnh những điều chung nhất, có tính nguyên tắc, mang tính tổng quát, các quy định cụ thể không mâu thuẫn với các luật chuyên ngành. Cả tài sản hữu hình và vô hình đều phải được đưa vào quản lý.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm quy định chi tiết sẽ là thiếu và khó, nên loại trừ những gì không thuộc tài sản công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng mục tiêu đặt ra của Luật là sử dụng tài sản công, tài sản nhà nước hiệu quả, tiết kiệm khắc phục yếu kém, bất cập lâu nay, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Hiện nay vẫn còn những lúng túng về phạm vi điều chỉnh của luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng theo Hiến pháp, tài sản công phạm vi rất rộng, nếu bao gồm cả tài sản vô hình, hữu hình, tài sản trí tuệ thì sẽ động đến nhiều luật chuyên ngành, đưa hết vào sẽ rất lớn, mất thời gian, công phu và không thể thực hiện được.

Đại biểu cho rằng nhiều nội dung quan trọng trong Dự thảo luật chưa được quy định cụ thể, trong đó có tới 21 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; còn nhiều quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công được dẫn chiếu theo các luật chuyên ngành khác.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để quy định chi tiết tối đa các điều, khoản trong Dự thảo luật, hạn chế các điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Trường hợp giao cho Chính phủ quy định chi tiết cần chỉ rõ nội dung cụ thể được giao và yêu cầu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định trình kèm Dự thảo luật.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, nếu nghiên cứu xây dựng thành một Bộ luật sẽ bao trùm tất cả các loại tài sản tài chính và tài sản công, có hành lang pháp lý tập trung và tính đồng bộ cao hơn nhưng như vậy phải nghiên cứu kỹ hơn và kết cấu lại. Trong phạm vi của một dự luật, không thể "quét" hết các loại tài sản, do đó Luật quản lý, tài sản nhà nước sửa đổi vẫn mang tính chất là một luật khung, còn nhiều nội dung giao Chính phủ quy định.

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công

Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đưa ra câu chuyện dư luận quan tâm về quản lý xe công và nhà công vụ.

"Chính sách có rồi nhưng sao chúng ta vẫn chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công?," bà Nga đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các cơ quan, đơn vị có quản lý sử dụng tài sản công để mang tính phổ quát, phản ánh đúng tình hình thực tế.

Theo bà Lê Thị Nga, tính đến thời điểm ngày 31/7, khối cơ quan nhà nước đang sử dụng 16.653 xe ôtô công. Tình hình quản lý sử dụng xe công sai mục đích đã giảm nhiều nhưng số lượng xe công vẫn còn lớn; tình trạng sử dụng xe quá niên hạn và sai mục đích vẫn còn. Còn tình trạng nói không cho mua xe mới nhưng chi phí sửa chữa hàng năm cho xe cũ lại rất lớn, bà Nga cho hay, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra chi phí này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết xu hướng các nước là khoán xe công nhưng ở Việt Nam chưa có sự đổi mới mạnh mẽ trong khi dư luận rất quan tâm. Điều 33 có nói khoán kinh phí sử dụng tài sản công ở cơ quan nhà nước nhưng mới chỉ là quy định chung, xác định mức khoán là do Bộ Tài chính quy định.

Cũng đề cập đến việc sử dụng xe công, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa nói đến sửa chữa tài sản, việc chi trả cho sửa chữa so với mua sắm mới thế nào và tiêu chuẩn định mức ra sao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận tài sản công không phát huy được hiệu quả kinh tế thì lãng phí. Luật đưa ra được nguyên tắc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực từ tài sản công, căn cứ xác định tiêu chuẩn định mức là cần thiết. Luật cần đưa vào cơ chế, chế định kiểm tra, thanh tra giám sát để bảo đảm sử dụng hiệu quả tài sản công, bổ sung thêm trách nhiệm của Quốc hội, của các cơ quan được giao tài sản công trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về mối quan hệ của luật này với các luật chuyên ngành đã ban hành, bởi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước liên quan đến nhiều luật chuyên ngành trong quản lý, sử dụng các loại tài sản như đất đai, khoáng sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục