Vận hành thí điểm trung tâm điều hành thành phố thông minh Bắc Ninh

Khi Trung tâm điều hành thành phố thông minh đi vào hoạt động, tích hợp toàn bộ các dịch vụ công về một đầu mối, người dân có thể trực tiếp sử dụng ứng dụng di động để thực hiện dịch vụ công.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 4 từ phải) và các đại biểu nhấn nút vận hành thử nghiệm chương trình. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ 4 từ phải) và các đại biểu nhấn nút vận hành thử nghiệm chương trình. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Chiều 26/9, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (AIC Group) tổ chức khai trương “Trung tâm điều hành đô thị thông minh,” chính thức đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh Tây Ninh, Bắc Giang, Hà Nam.

Đề án mô hình thành phố thông minh được tỉnh Bắc Ninh triển khai từ năm 2017. Để có cơ sở thực tiễn, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức tham quan, học tập thực tế mô hình thành phố thông minh đã triển khai, xây dựng thành công tại một số thành phố lớn của châu Á.

Qua đó, Bắc Ninh đã lựa chọn, xây dựng mô hình thành phố thông minh với 6 lĩnh vực cốt lõi (nền kinh tế thông minh, cư dân thông minh, quản trị thông minh, dịch chuyển thông minh, môi trường thông minh và cuộc sống thông minh) thông qua mục tiêu xây dựng và lộ trình triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn đến 2030.

Phát biểu tại lễ khai trương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến bày tỏ sự vui mừng khi được AIC Group tặng hệ thống phần mềm hiện đại, nhiều tiện ích, cùng với sự nghiên cứu vào cuộc của nhiều sở, ngành trong tỉnh thời gian qua để thống kê tích hợp được một hệ thống dữ liệu, số liệu khá hoàn chỉnh, phục vụ hữu ích cho việc điều hành của tỉnh, cũng như tiện ích cho nhân dân khi giao dịch.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh đang xây dựng lộ trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào điều hành sẽ giúp thuận tiện nhiều công đoạn.

Đến nay, Bắc Ninh đã triển khai được các dự án hợp phần chính của đề án, trong đó, Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh là dự án nền tảng đầu tiên.

Dự án được đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng vật lý cho trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ phiến, phần mềm đám mây, hệ thống lưu trữ, kho dữ liệu tập trung, các thiết bị mạng, thiết bị bảo mật.

Vận hành thí điểm trung tâm điều hành thành phố thông minh Bắc Ninh ảnh 1Toàn cảnh chương trình. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Việc thực hiện dự án sẽ đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, giúp giảm thiểu các chi phí quản trị, bảo trì, vận hành hệ thống trung tâm dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho toàn hệ thống công nghệ thông tin.

Nhằm thực hiện kết nối các hệ thống mạng máy tính của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn với trung tâm, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xây dựng hệ thống mạng WAN nội tỉnh, kết nối 162 cơ quan, đơn vị với trung tâm, có tốc độ lên đến hơn 100Mbps.

Dự án góp phần xây dựng hạ tầng đồng bộ, là nền tảng về kỹ thuật cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, các hệ thống camera giám sát, các thiết bị cảm biến của thành phố thông minh.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng chính quyền điện tử cũng được tỉnh Bắc Ninh triển khai đồng bộ bao gồm hệ thống quản lý văn bản điều hành liên thông phản ánh kiến nghị, hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống giám sát mạng xã hội.

Ngoài ra, Bắc Ninh đã triển khai thí điểm dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố Bắc Ninh làm cơ sở để triển khai dự án camera giám sát dùng chung cho các cơ quan.

Đến nay, Bắc Ninh đã lắp đặt 286 camera tại các cơ sở trọng yếu trên địa bàn thành phố Bắc Ninh; các sở, ban, ngành, khu vực quảng trường đông người, các nút giao thông lớn, các nút cửa ngõ quan trọng... nhằm đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn và giảm tỷ lệ tội phạm về an ninh trật tự cũng như vi phạm giao thông.

Bắc Ninh đã tập trung đầu tư cho 2 lĩnh vực trong mô hình thành phố thông minh là môi trường và giáo dục. Đối với lĩnh vực môi trường, tỉnh xây dựng phòng thí nghiệm đạt đầy đủ các tiêu chuẩn hoạt động, 12 trạm khí, 18 trạm nước và 1 phòng điều khiển cho 30 trạm.

Với mảng giáo dục, tỉnh đầu tư phòng học thông minh cho khối trung học phổ thông, phòng học ngoại ngữ cho các trường tiểu học, dự kiến trong năm 2019 sẽ hoàn tất đầu tư cho các trường trung học cơ sở của tỉnh.

Dự kiến, khi Trung tâm điều hành thành phố thông minh chính thức đi vào hoạt động, tổng hợp, tích hợp toàn bộ các dịch vụ công về một đầu mối, người dân có thể trực tiếp sử dụng ứng dụng di động để thực hiện các dịch vụ công, trả phí, nhận kết quả, đánh giá chất lương dịch vụ.

Bên cạnh đó, người dân có thể gửi ý kiến đến chính quyền và nhận được câu trả lời nhanh chóng thông qua nhiều phương tiện khác nhau, cập nhật các chương trình ưu đãi của hàng không, du lịch, dịch vụ… Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp các chương trình hỗ trợ cho người khiếm thị, khiếm thính, khiếm thanh, giúp họ tiếp cận tốt hơn với cuộc sống.

Bắc Ninh là tỉnh thứ 2 (sau tỉnh Quảng Ninh) vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh, tạo hệ thống tiện ích cho mọi đối tượng trong xã hội, cung cấp thông tin chính xác cho các nhà quản lý, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục