Văn hóa dân tộc thiểu số - Điểm nhấn du lịch Trung Quốc

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy du lịch tại các địa phương dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm gia tăng doanh thu của ngành và quảng bá hình ảnh của đất nước.

Tham gia vào các điệu múa dân gian, hòa mình vào các hội chọi trâu và tận hưởng những làn điệu dân ca là những hoạt động mà du khách được trải nghiệm trong chuyến du lịch kéo dài ba tuần tại lễ hội của các dân tộc thiểu số Trung Quốc.

Lượng du khách gia tăng sẽ tạo ra một sự bùng nổ trong ngành du lịch nội địa Trung Quốc, vào thời điểm lượng du khách quốc tế giảm.

Giới chức du lịch Trung Quốc thừa nhận khách du lịch từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ đang rời bỏ Trung Quốc (do vấn nạn ô nhiễm không khí) và chuyển sang du lịch các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Trong 11 tháng đầu năm 2013, thành phố Bắc Kinh chỉ đón 4,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, giảm hơn 10% so với năm 2012. Ủy ban phát triển du lịch của thành phố này thừa nhận khách du lịch không chọn Bắc Kinh là do khách du lịch lo ngại tình trạng khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước tình hình trên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói," trong đó có du lịch tại các địa phương dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm gia tăng doanh thu của ngành cũng như quảng bá hình ảnh của đất nước.

Năm ngoái, ngành du lịch nội địa của Trung Quốc tăng 10%, với 3,3 tỷ chuyến đi và thu về khoảng 2.600 tỷ nhân dân tệ. Mặc dù dân tộc Hán chiếm đến 92% dân số Trung Quốc, song Bắc Kinh vẫn đưa ra các chính sách ưa đãi đối với dân tộc thiểu số và khuyến khích họ tham gia và các sự kiện, buổi biểu diễn trên truyền hình trong các trang phục truyền thống.

Trong năm 2012, doanh thu từ du lịch của Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, đã tăng 30% lên 186 tỷ nhân dân tệ. Các công ty lữ hành hoạt động tại Quý Châu đề xuất tổ chức các lễ hội về âm nhạc, vải vóc,... để thu hút du khách.

Wang Ahua, một phụ nữ 39 tuổi làm nghề thợ may, vui mừng cho biết nhu cầu đối với các loại trang phục của cô đang gia tăng. Các bộ trang phục này có giá khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.600 USD).

Cứ đến tháng 12 hàng năm, người dân tộc Dong và Mèo ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc lại nô nức dự lễ hội Sama. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất còn tồn tại ở Trung Quốc và đã được vinh danh là một trong những tài sản phi vật thể của quốc gia.

Vào dịp lễ hội, những người phụ nữ Quý Châu mặc trang phục cổ truyền đẹp nhất, diễu hành trên đường phố. Những người đàn ông cũng tham gia dự lễ, thường đóng vai các nhân vật trong tích truyện xưa, động vật cũng hòa vào đoàn diễu hành, tạo nên một bầu không khí rất vui vẻ, sắc màu rực rỡ.

Tháng Ba đầu Xuân, du khách sẽ được thượng ngoạn sắc vàng rợp trời ngợp của từng vạt hoa cải tầng tầng lớp lớp vươn xa tít tắp, giống như tấm thảm vàng trải trên các ngọn ̣đồi, nối tiếp nhau vươn xa hàng chục dặm, để tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Đây chính là thời điểm diễn ra hội du lịch hoa cải Long Cung, thành phố An Thuận tỉnh Quý Châu. Tháng Ba hàng năm, du khách từ các nơi trong cả nước thường tụ tập tại đây, để ngắm ruộng cải vàng óng.

Chuyên gia Jenny Chio, thuộc Đại học Emory, nhận định khách du lịch nội địa gia tăng sẽ mang nhiều lợi ích cho các vùng sâu vùng xa như cơ sở hạ tầng được cải thiện và người dân cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý nếu các làng bản của người dân tộc trở thành điểm đến du lịch, người dân ở đó sẽ luôn ở trạng thái "đóng băng thời gian" để duy trì những "tưởng tượng" mà du khách muốn thấy.

Reza Hasmath, một chuyên gia về dân tộc thiểu số của Trung Quốc thuộc Đại học Oxford cho rằng để thực sự thúc đẩy kinh tế, người dân cần nâng cao nhận thức, kỹ năng và hiện đại hóa phương thức sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục