Vẫn thiếu minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức

Việc quản lý tiền công đức là điều đáng quan tâm bởi số tiền này thu được bao nhiêu, sử dụng thế nào, đúng mục đích hay không... đang là câu hỏi lớn.
Vẫn thiếu minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức ảnh 1Người dân dâng hương lễ chùa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Mùa lễ hội 2014 đang diễn ra, cũng là lúc sự quan tâm của xã hội hướng vào công tác tổ chức, quản lý. Những chuyển biến tích cực, rõ nét của công tác tổ chức lễ hội là đáng ghi nhận, nhưng cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn và yếu kém chưa được cải thiện đáng kể, như nạn cờ bạc trá hình, ăn xin, chèo kéo khách, phe vé, vệ sinh môi trường...

Việc quản lý tiền công đức cũng đang là điều đáng quan tâm, bởi số tiền này thu được bao nhiêu, sử dụng thế nào, đúng mục đích hay không... đang là câu hỏi lớn.

Mới đây, người ta xôn xao với một clip được quay từ một ngôi chùa lớn tại miền Bắc, tiền công đức (tiền lẻ) nhiều tới mức, người ta không đủ kiên trì để nhặt mà dùng chổi quét dọn để cho vào bao tải. Clip được lan truyền với nhiều bình luận khác nhau về sự phản cảm của nó.

Thực tế, tại nhiều điểm tâm linh tại Hà Nội, lượng tiền công đức rất lớn và đa phần không một trụ trì hay Ban quản lý di tích nào công bố con số chính xác. Chỉ tính riêng tiền "giọt dầu" do người đi lễ đặt tại các hòm công đức hay các ban thờ cũng không nhỏ. Tại các gian thờ, hòm công đức ít nhất đặt ba nơi với kích thước lớn và dường như chưa đủ, người ta còn để thêm các khay tiền lên ban thờ để mọi người tiện đặt vào. Vậy mà, người đi lễ vẫn còn giắt các nơi, từ chân tượng, tay tượng, bệ thờ, mâm lễ...

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân có tài chính lớn công đức vào đền, chùa, phủ, có thể ghi danh hoặc không ghi danh, ít thì vài trăm, vài triệu, nhiều tới hàng tỷ đồng.

Tại chùa Hương, hàng năm lượng tiền công đức được công bố khoảng 20 tỷ đồng. Tại phủ Tây Hồ, lượng tiền công đức được cho là không nhiều, năm ít thu từ 5-7 tỷ đồng, năm nhiều 8-9 tỷ đồng. Số tiền này được công khai minh bạch trong Ban quản lý phủ.

Tại một số điểm tâm linh lớn khác như chùa Quán Sứ, chùa Láng, chùa Trấn Quốc, chùa Vạn Niên, Tảo Sách, chùa Bồ Đề... lượng người tới lễ đông, cũng có nghĩa nguồn công đức không nhỏ.

Hiện nay, tiền công đức thu được bao nhiêu, chi thế nào vẫn là việc đáng bàn của các cơ quan quản lý văn hóa để số tiền đó quay trở lại đầu tư, duy tu, tôn tạo di tích theo đúng mục đích. Đa phần, nguồn thu này không được công bố công khai đặc biệt tại các điểm tâm linh lớn.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Theo nguyên tắc, Nhà nước không sử dụng tiền công đức mà đầu tư lại di tích, nhưng việc quản lý, sử dụng tiền công đức chưa có sự thống nhất, còn sự tùy tiện, dẫn tới nhiều phức tạp, biến tướng.”

Có nơi tiền công đức do Ban quản lý với sự tham gia của chính quyền, trụ trì, thủ từ quản lý, nhưng chính quyền không kiểm soát được nguồn tiền công đức mà hoàn toàn do trụ trì, thủ từ chi phối. Có nơi công đức được đưa thẳng cho thủ từ, không đưa vào hòm công đức, nhưng cũng có nơi tiền công đức được kiểm soát chặt chẽ với sự quản lý của chính quyền và được lắp camera quan sát... Có rất nhiều cách quản lý khác nhau, nhưng tựu trung lại, các điểm di tích chưa có sự thống nhất quản lý và công khai rõ ràng nguồn tiền này; chỉ một số ít điểm di tích thực hiện minh bạch.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Dịch Vọng, cho biết chùa Hà trên địa bàn phường là một trong rất ít các chùa tại Hà Nội không có sư trụ trì. Chính vì vậy, tiền công đức được quản lý chặt chẽ. Hội Phụ nữ phường đứng ra ghi công đức, phân công người thu gom tiền “giọt dầu” trên các ban thờ để vào hòm công đức và khi mở hòm phải có sự chứng kiến của các ban, ngành của phường. Đặc biệt, từ tiền công đức này, Ban quản lý di tích đổi tiền lẻ ngang giá cho người dân đi lễ chùa.

Còn tại phủ Tây Hồ, công tác quản lý và sử dụng tiền công đức khá chặt chẽ, hàng ngày ghi sổ thu, chi.

Ông Trương Công Đức, Trưởng Ban quản lý di tích khu dân cư Tây Hồ cho biết: “Công tác quản lý, sử dụng tiền công đức tại phủ Tây Hồ cũng được thực hiện nghiêm túc. Hàng ngày, Ban quản lý di tích có phiếu thu, chi tiền công đức, chi tiết từng khoản, ghi vào sổ theo dõi chung. Công việc này do thủ quỹ và kế toán thực hiện, còn Trưởng ban chỉ quán xuyến chung.”

Hàng năm, ngoài kinh phí phục vụ trùng tu, tu bổ lại di tích, nguồn công đức tại phủ Tây Hồ còn phục vụ công tác nhân đạo, các công tác xã hội, đầu tư hạ tầng cơ sở một số công trình cho phường Quảng An...

Tuy nhiên, việc thu, chi thực hiện tốt như tại chùa Hà hay phủ Tây Hồ không nhiều. Hầu hết các điểm tâm linh chưa thống nhất các khoản thu chi, vì vậy cần có một mô hình quản lý tiền công đức thống nhất để công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích nguồn tiền này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục