Tại SEA Games 26, hình ảnh về sự nỗ lực dùng tay chạm đích khi đã ngã sấp trên đường đua của nữ vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Phương đã làm nghẹn lòng bao trái tim người yêu thể thao. Cô đã được vinh danh “Tinh thần Việt Nam.”
Đạt thành tích cao trong sự nghiệp thi đấu là điều mà bất kỳ vận động viên nào cũng mong muốn, nhất là với những vận động viên trẻ như Nguyễn Thị Phương. Đường đua vốn nghiệt ngã nhưng cũng chính nó là nơi để cô thể hiện bản lĩnh và niềm đam mê của mình.
21 tuổi và lần đầu tiên tham dự giải đấu khu vực, khát khao của tuổi trẻ thôi thúc cô giành chiến thắng để khẳng định chính mình, mang vinh quang cho Tổ quốc. Nhưng đường đến Indonesia lắm chông gai, bất ngờ, có những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc nhưng cũng có những nghẹn đắng của sự tiếc nuối.
Khi bước chân của Phương gần chạm đích huy chương vàng cho nội dung điền kinh 3000 m vượt chướng ngại vật sắp được xác lập thì bất ngờ lớn đã xảy ra. “Lúc đó đã kiệt sức, em hoa mắt không còn nhìn thấy gì nữa, chới với ở những bước cuối cùng, không thể trụ được chân nên em đã ngã xuống và biết mình đã tuột mất cơ hội vàng.” Vậy là, khoảng cách chỉ còn 2m thôi, nhưng chị chỉ giành được tấm huy chương bạc.
Và có lẽ những ai chứng kiến khoảnh khắc Phương ngã sấp mặt trước đích vẫn cố gắng gượng, bớt chút sức còn lại, rướn người, chao đảo vùng dậy để chạm tay vào đích mới hiểu hết được tinh thần thi đấu hết mình của cô. Phương chia sẻ: Điều duy nhất mà em luôn xác định, đã là vận động viên thì phải có trách nhiệm vì màu cờ sắc áo.
Phương vốn sống mạnh mẽ, ít khi khóc, nhất là trên đường chạy. Nhưng tại cuộc đua hôm đó, cô đã khóc khi thầy Trần Văn Sĩ và thầy Dương Đức Thủy (huấn luyện viên đội điền kinh) tới an ủi, động viên: “Em thương các thầy vì nỗ lực dẫn dắt chúng em trong thời gian dài, mà kết quả thu được lại không cao.”
Đã hơn 10 ngày kể từ khi từ Indonesia trở về, nhưng sự nuối tiếc vì bỏ lỡ chiếc huy chương vàng vẫn luôn là nỗi trăn trở của Phương. Nhưng điều còn lại là hình ảnh đẹp của cô tại SEA Games 26, về đôi bàn tay trong khoảnh khắc chỉ một phần ngàn giây.
Hình ảnh của một Nguyễn Thị Phương nỗ lực vì màu cờ sắc áo đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ nhưng ít ai biết được, cô cũng có một “tuổi thơ dữ dội.”
Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông, có tới 5 anh chị em. Mẹ ốm, mọi chi tiêu sinh hoạt, thuốc thang chữa bệnh và nuôi các anh em ăn học đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi mà bố kiếm được qua nghề buôn trâu. Rồi mọi thứ sụp đổ khi căn bệnh ung thư quái ác đã vĩnh viễn cướp đi người mẹ của Phương khi cô chỉ mới 7 tuổi.
Phần vì đau buồn, phần sợ các con suy sụp, chểnh mảng học hành nên bố Phương thường không để lại di ảnh của mẹ và cũng không hay nhắc tới chuyện buồn. Trong trí nhớ của cô chập chờn là vóc dáng gầy yếu, khuôn mặt xanh xao của mẹ những ngày cuối cùng. Sự nghẹn ngào trong lời kể của Phương, tôi biết trong sâu thẳm, như bao con người khác, Phương cũng mong có mẹ.
Mọi nỗi đau rồi cũng qua. Thiếu vắng sự yêu thương của mẹ song không cản được bước cô học trò nhỏ. Phương cố gắng học khỏi phụ lòng cha. Những năm tháng học cấp 2 tại trường THCS Yên Thái (Yên Định, Thanh Hóa) cũng là thời gian cô nuôi dưỡng tình yêu điền kinh. Cô hăng hái tập luyện trong từng tiết học và không bỏ qua bất kỳ hoạt động thể dục thể thao nào ở trường.
Cũng như cái “duyên,” niềm đam mê với điền kinh ngấm vào dòng máu cô lúc nào không hay. Dần dần, cái tên Nguyễn Thị Phương cũng được nhắc tới nhiều hơn trong các giải thể thao của huyện, của tỉnh. Và huấn luyện viên Lưu Văn Hùng (7 lần liên tục vô địch giải chạy Việt dã) đã là người đầu tiên phát hiện ra khả năng đó và đưa cô về với trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa khi cô 14 tuổi. Lạ lẫm ở môi trường mới, bạn bè, thầy cô mới lại xa gia đình, không tránh khỏi những phút giây nhớ nhà, buồn tủi.
Khoảng năm 2006-2007, Phương bị chấn thương nặng đầu gối, phải giã từ trường đua hơn 3 tháng là thời gian khiến cô buồn nhất. “Lúc đó, em đã có suy nghĩ bỏ cuộc, nhưng rồi niềm đam mê và sự động viên của thầy làm mình không thể bỏ và không muốn bỏ.”
Từ phong trào thể thao của tỉnh, Phương liên tiếp tham dự giải đấu quốc gia và đạt thành tích cao như 2 huy chương vàng giải năng khiếu mục tiêu Quốc gia (2005), phá kỷ lục của nội dung 3000 m trơn, đạt danh hiệu kiện tướng quốc gia ở 1500 m và 3000 m (2006)...
Ngày nối ngày, sự nỗ lực luyện tập của Phương được đền đáp xứng đáng bằng tấm vé tham dự SEA Games 26. Không kể mưa nắng, giá rét, có ngày chạy từ 5 giờ, mỗi buổi 10 km. Khắc phục hạn chế về chiều cao, Phương còn cố gắng tập tạ để tăng sức bật cho đôi chân. Có ngày gấp rút cho giải đấu phải tập với cường độ mạnh hơn, 90-95 % sức. Những ngày ở Indonesia, Phương không quen với đồ ăn, song vẫn phải duy trì chế độ tập luyện để có thể lực tốt nhất cho giải đấu.
Nỗi buồn về thành tích không cao tại SEA Games qua đi, những ngày qua Phương nhận được nhiều sự cảm thông, chia sẻ. Đặc biệt, người hâm mộ thể thao ưu ái giành cho cô tấm “huy chương kim cương” “độc nhất vô nhị” - tượng trưng cho nỗ lực thi đấu của “tinh thần Việt Nam” quật cường và không chịu khuất phục./.
Đạt thành tích cao trong sự nghiệp thi đấu là điều mà bất kỳ vận động viên nào cũng mong muốn, nhất là với những vận động viên trẻ như Nguyễn Thị Phương. Đường đua vốn nghiệt ngã nhưng cũng chính nó là nơi để cô thể hiện bản lĩnh và niềm đam mê của mình.
21 tuổi và lần đầu tiên tham dự giải đấu khu vực, khát khao của tuổi trẻ thôi thúc cô giành chiến thắng để khẳng định chính mình, mang vinh quang cho Tổ quốc. Nhưng đường đến Indonesia lắm chông gai, bất ngờ, có những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc nhưng cũng có những nghẹn đắng của sự tiếc nuối.
Khi bước chân của Phương gần chạm đích huy chương vàng cho nội dung điền kinh 3000 m vượt chướng ngại vật sắp được xác lập thì bất ngờ lớn đã xảy ra. “Lúc đó đã kiệt sức, em hoa mắt không còn nhìn thấy gì nữa, chới với ở những bước cuối cùng, không thể trụ được chân nên em đã ngã xuống và biết mình đã tuột mất cơ hội vàng.” Vậy là, khoảng cách chỉ còn 2m thôi, nhưng chị chỉ giành được tấm huy chương bạc.
Và có lẽ những ai chứng kiến khoảnh khắc Phương ngã sấp mặt trước đích vẫn cố gắng gượng, bớt chút sức còn lại, rướn người, chao đảo vùng dậy để chạm tay vào đích mới hiểu hết được tinh thần thi đấu hết mình của cô. Phương chia sẻ: Điều duy nhất mà em luôn xác định, đã là vận động viên thì phải có trách nhiệm vì màu cờ sắc áo.
Phương vốn sống mạnh mẽ, ít khi khóc, nhất là trên đường chạy. Nhưng tại cuộc đua hôm đó, cô đã khóc khi thầy Trần Văn Sĩ và thầy Dương Đức Thủy (huấn luyện viên đội điền kinh) tới an ủi, động viên: “Em thương các thầy vì nỗ lực dẫn dắt chúng em trong thời gian dài, mà kết quả thu được lại không cao.”
Đã hơn 10 ngày kể từ khi từ Indonesia trở về, nhưng sự nuối tiếc vì bỏ lỡ chiếc huy chương vàng vẫn luôn là nỗi trăn trở của Phương. Nhưng điều còn lại là hình ảnh đẹp của cô tại SEA Games 26, về đôi bàn tay trong khoảnh khắc chỉ một phần ngàn giây.
Hình ảnh của một Nguyễn Thị Phương nỗ lực vì màu cờ sắc áo đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ nhưng ít ai biết được, cô cũng có một “tuổi thơ dữ dội.”
Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông, có tới 5 anh chị em. Mẹ ốm, mọi chi tiêu sinh hoạt, thuốc thang chữa bệnh và nuôi các anh em ăn học đều phụ thuộc vào số tiền ít ỏi mà bố kiếm được qua nghề buôn trâu. Rồi mọi thứ sụp đổ khi căn bệnh ung thư quái ác đã vĩnh viễn cướp đi người mẹ của Phương khi cô chỉ mới 7 tuổi.
Phần vì đau buồn, phần sợ các con suy sụp, chểnh mảng học hành nên bố Phương thường không để lại di ảnh của mẹ và cũng không hay nhắc tới chuyện buồn. Trong trí nhớ của cô chập chờn là vóc dáng gầy yếu, khuôn mặt xanh xao của mẹ những ngày cuối cùng. Sự nghẹn ngào trong lời kể của Phương, tôi biết trong sâu thẳm, như bao con người khác, Phương cũng mong có mẹ.
Mọi nỗi đau rồi cũng qua. Thiếu vắng sự yêu thương của mẹ song không cản được bước cô học trò nhỏ. Phương cố gắng học khỏi phụ lòng cha. Những năm tháng học cấp 2 tại trường THCS Yên Thái (Yên Định, Thanh Hóa) cũng là thời gian cô nuôi dưỡng tình yêu điền kinh. Cô hăng hái tập luyện trong từng tiết học và không bỏ qua bất kỳ hoạt động thể dục thể thao nào ở trường.
Cũng như cái “duyên,” niềm đam mê với điền kinh ngấm vào dòng máu cô lúc nào không hay. Dần dần, cái tên Nguyễn Thị Phương cũng được nhắc tới nhiều hơn trong các giải thể thao của huyện, của tỉnh. Và huấn luyện viên Lưu Văn Hùng (7 lần liên tục vô địch giải chạy Việt dã) đã là người đầu tiên phát hiện ra khả năng đó và đưa cô về với trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh Thanh Hóa khi cô 14 tuổi. Lạ lẫm ở môi trường mới, bạn bè, thầy cô mới lại xa gia đình, không tránh khỏi những phút giây nhớ nhà, buồn tủi.
Khoảng năm 2006-2007, Phương bị chấn thương nặng đầu gối, phải giã từ trường đua hơn 3 tháng là thời gian khiến cô buồn nhất. “Lúc đó, em đã có suy nghĩ bỏ cuộc, nhưng rồi niềm đam mê và sự động viên của thầy làm mình không thể bỏ và không muốn bỏ.”
Từ phong trào thể thao của tỉnh, Phương liên tiếp tham dự giải đấu quốc gia và đạt thành tích cao như 2 huy chương vàng giải năng khiếu mục tiêu Quốc gia (2005), phá kỷ lục của nội dung 3000 m trơn, đạt danh hiệu kiện tướng quốc gia ở 1500 m và 3000 m (2006)...
Ngày nối ngày, sự nỗ lực luyện tập của Phương được đền đáp xứng đáng bằng tấm vé tham dự SEA Games 26. Không kể mưa nắng, giá rét, có ngày chạy từ 5 giờ, mỗi buổi 10 km. Khắc phục hạn chế về chiều cao, Phương còn cố gắng tập tạ để tăng sức bật cho đôi chân. Có ngày gấp rút cho giải đấu phải tập với cường độ mạnh hơn, 90-95 % sức. Những ngày ở Indonesia, Phương không quen với đồ ăn, song vẫn phải duy trì chế độ tập luyện để có thể lực tốt nhất cho giải đấu.
Nỗi buồn về thành tích không cao tại SEA Games qua đi, những ngày qua Phương nhận được nhiều sự cảm thông, chia sẻ. Đặc biệt, người hâm mộ thể thao ưu ái giành cho cô tấm “huy chương kim cương” “độc nhất vô nhị” - tượng trưng cho nỗ lực thi đấu của “tinh thần Việt Nam” quật cường và không chịu khuất phục./.
Đinh Hoài-Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)