Vệ tinh đo lực hút Trái Đất hết thời hạn hoạt động

Vệ tinh Thám hiểm hải lưu và trọng lực hoạt động từ năm 2009 đã hết nhiên liệu và sẽ rơi trở lại Trái Đất trong vòng ba tuần tới.
Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo vệ tinh Thám hiểm hải lưu và trọng lực (GOCE) hoạt động từ năm 2009 đã hết nhiên liệu và sẽ rơi trở lại bầu khí quyển của Trái Đất trong vòng ba tuần tới.

Ông Rune Floberghahen, người giám sát sứ mệnh của GOCE, cho biết 41kg nhiên liệu dự trữ của vệ tinh này đã cạn kiệt vào lúc 3 giờ 20 phút ngày 21/10 theo giờ GMT (tức 10 giờ 20 phút giờ Việt Nam).

Thiết bị chính đo trọng lực đã ngừng hoạt động, nhưng các thiết bị đo khác sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu thêm hai tuần nữa.

Giờ đây khi đã hết nhiên liệu duy trì hoạt động trong quỹ đạo, GOCE sẽ mất độ cao và không còn ổn định. Phần lớn vệ tinh dài 5,3 mét và nặng một tấn này sẽ vỡ và cháy hết khi rơi xuống độ cao 80km. Số mảnh vỡ còn lại, tổng cộng nặng khoảng 250kg, sẽ rơi xuống Trái Đất kéo thành một vệt dài vài trăm km trong vòng từ hai đến ba tuần tới.

Theo các chuyên gia ESA, khi các mảnh vỡ của vệ tinh GOCE rơi xuống Trái Đất ít có khả năng gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa xác định được thời gian và địa điểm các mảnh vỡ sẽ rơi xuống.

Một ủy ban hỗn hợp toàn cầu quan sát bụi vũ trụ đang theo dõi vệ tinh để dự đoán thời điểm các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất và sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

GOCE được phóng vào quỹ đạo Trái Đất từ tháng 3/2009 ở độ cao 260km so với mặt biển, sau đó hạ xuống 224km. Chi phí cho dự án này là 350 triệu euro (465 triệu USD) và thời gian hoạt động của vệ tinh đã kéo dài gấp đôi thời gian dự tính ban đầu là 20 tháng.

Theo các nhà khoa học, GOCE đã thu thập được những dữ liệu chính xác nhất về lực hút của Trái Đất và các dòng chảy của đại dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục