Vi phạm trong hàng đóng gói sẵn ngày càng tinh vi

Vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn ngày càng tinh vi, đặc biệt là về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa.
Vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn ngày càng tinh vi là kết luận được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề đánh giá về hàng đóng gói sẵn được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng tổ chức ngày 2/2 tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, trong những năm gần đây, ở Việt Nam sản xuất hàng hóa nói chung, hàng hóa đóng gói sẵn nói riêng đang ngày càng phát triểt phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh và ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh hàng đóng gói ngày càng tinh vi, có lúc, có nơi một số vụ việc vi phạm ở mức nghiêm trọng.

Các vi phạm phổ biến là hàng đóng gói sẵn có định lượng thực tế không đủ so với lượng ghi trên bao bì, không ghi nhãn hay nhãn hàng hóa được ghi không đúng quy định, không công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Ngoài ra còn các vi phạm như chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đạt mức chất lượng tiêu chuẩn công bố, chưa có giấy chứng nhân quyền sử dụng mã số mã vạch do cơ quan có thẩm quyền cấp, tự ý sử dụng mã số mã vạch của người khác...

Trước tình hình trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo các tỉnh thành phố trên toàn quốc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và sở hữu công nghiệp đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói theo định lượng phải quản lý nhà nước về đo lường.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã cho rằng các địa phương trong toàn quốc cần tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ và nhãn hàng hóa.

Các địa phương cũng cần huy động các thành phần xã hội tham gia vào việc chống các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng.

Để hoạt động trên đạt hiệu quả, cần có thêm nhiều chế tài như buộc thiêu hủy đối với hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; tổ chức tập huấn kiểm tra về đo lường đối với một số mặt hàng như đồ uống có ga, sơn, dầu nhớt; quy định về ghi trọng lượng bình trên bình gas để cơ quan quản lý có thể kiểm tra được lượng gas thực của bình; tằng cường trang thiết bị kỹ thuật cho đơn vị thử nghiệm địa phương./.

Hồng Ninh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục