Vì sao Apple gửi cảnh báo tấn công phần mềm gián điệp tới người dùng iPhone?

Trang tin Forbes cho biết người dùng sản phẩm điện thoại của Apple đã nhận được cảnh báo về các vụ tấn công qua thư điện tử. Sự việc này cũng được hãng tin Reuters ghi nhận và thông báo.

Apple đã phát cảnh báo về hoạt động tấn công bằng phần mềm gián điệp tới người sử dụng iPhone. (Nguồn: Forbes)
Apple đã phát cảnh báo về hoạt động tấn công bằng phần mềm gián điệp tới người sử dụng iPhone. (Nguồn: Forbes)

Công ty Apple vừa ban bố cảnh báo về khả năng xảy ra hoạt động tấn công bằng phần mềm gián điệp tới những người đang sử dụng điện thoại iPhone tại 92 quốc gia trên thế giới, sau khi phát hiện họ là mục tiêu bị tấn công.

Trang tin Forbes cho biết người dùng sản phẩm điện thoại của Apple đã nhận được cảnh báo về các vụ tấn công qua thư điện tử. Sự việc này cũng được hãng tin Reuters ghi nhận và thông báo.

Cụ thể, các nạn nhân của vụ tấn công bằng phần mềm gián điệp tại Ấn Độ và 91 quốc gia khác đã được cảnh báo rằng kẻ xấu đã thử “tấn công từ xa nhằm vào điện thoại iPhone" của họ. Nội dung của cảnh báo nêu rõ: “Apple thấy rằng bạn đang là mục tiêu của một cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp và kẻ xấu đang cố gắng xâm phạm chiếc iPhone được liên kết với Apple ID của bạn từ xa -xxx-.”

“Cuộc tấn công này có thể nhắm cụ thể vào bạn, vì vai trò của bạn, hoặc do bạn đang làm công việc gì đó. Mặc dù không thể xác định chắc chắn tuyệt đối về thời điểm xảy ra các cuộc tấn công, Apple rất tin tưởng vào cảnh báo này. Vì vậy, hãy xem xét nó một cách nghiêm túc,” cảnh báo viết thêm.

Cuộc tấn công mới nhằm vào iPhone dường như nhằm mục đích dụ người dùng cài đặt phần mềm độc hại để theo dõi dữ liệu và vị trí của người dùng. Theo thư điện tử do Apple gửi, hãng cũng từng phát các cảnh báo tương tự trước đây. Kể từ năm 2021, Apple đã gửi rất nhiều cảnh báo tới 150 quốc gia khác nhau.

Apple không tiết lộ cuộc tấn công mới đến từ đâu, nhưng theo Forbes, các cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp thường có yếu tố nhà nước đứng ở sau. Năm 2021, Apple từng khởi kiện công ty NSO Group của Israel, cáo buộc doanh nghiệp này tham gia vào các cuộc tấn công vào người dùng iPhone.

Trong vài năm qua, Apple đã phát hành ngày càng nhiều bản cập nhật dành cho hệ điều hành iOS để giải quyết các lỗ hổng có thể được dùng để tấn công bằng phần mềm gián điệp. Một số trong đó được đưa ra dưới dạng cập nhật bảo mật khẩn cấp, đặc biệt là khi lỗ hổng của iPhone đã được sử dụng trong các cuộc tấn công.

Forbes đánh giá các cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp rất đáng sợ vì chúng có thể được phát tán theo hình thức được gọi là "tấn công không cần bấm vào" - dạng tấn công không cần sự tương tác từ người dùng iPhone. Một ví dụ là hình ảnh độc hại được gửi qua các phần mềm iMessage hoặc WhatsApp.

Nếu một cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp thành công, nó sẽ cho phép kẻ xấu chiếm quyền kiểm soát hoàn toàn thiết bị iPhone. Từ đây, chúng có thể nghe lén cuộc gọi, đọc thư điện tử của nạn nhân và thậm chí truy cập các ứng dụng như WhatsApp và Signal. Chúng cũng có thể nhìn thấy mọi thứ xuất hiện trên màn hình iPhone của người dùng, cũng như biết họ nhập dữ liệu gì vào điện thoại.

Những hậu quả ở trên nghe có vẻ đáng ngại, nhưng thực tế các cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp thường chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ người dùng cụ thể, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Nếu người dùng nghi ngờ mình là nạn nhân, họ có thể sử dụng chế độ Phong tỏa (Lockdown) trên iPhone. Chế độ này sẽ làm giảm chức năng của chiếc iPhone, nhưng giúp giảm bớt nhiều thiệt hại nếu người dùng bị tấn công và trở thành nạn nhân.

Sean Wright, người đứng đầu bộ phận bảo mật ứng dụng tại công ty Featurespace, nhận định: “Cuộc tấn công mới nhất có thể đặt ra các mục tiêu cao cấp, nhắm vào những người cụ thể. Vì vậy, người dùng iPhone bình thường không có gì phải lo lắng”.

Mặc dù vậy, ông vẫn khuyến nghị tất cả người dùng iPhone áp dụng các biện pháp bảo mật tốt nhất, chỉ cài đặt ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy và cần giám sát kỹ lưỡng đối với các ứng dụng - chẳng hạn như xem xét cấp quyền cho ứng dụng.

Người dùng cũng có thể quan sát một số dấu hiệu cho thấy chiếc iPhone của họ đã bị cài phần mềm gián điệp như thiết bị chạy chậm, pin cạn kiệt nhanh hoặc thiết bị trở nên quá nóng. Nếu thấy điều này xảy ra với iPhone của mình, việc tắt thiết bị có thể tạm thời làm gián đoạn hoạt động của phần mềm gián điệp.

Nhìn chung, người dùng iPhone cần đảm bảo hệ điều hành iOS của họ được cập nhật, với phiên bản mới nhất hiện là iOS 17.4.1. Người dùng cũng nên cài các bản cập nhật mới của Apple ngay khi có thông báo xuất hiện trên iPhone của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục