Vì sao các đội bóng đến từ châu Âu vẫn thống trị World Cup?

Hàng loạt những bất ngờ đã xảy ra tại World Cup 2018 nhưng có điều chắc chắn rằng một đội bóng châu Âu sẽ là những người nâng chiếc cúp vàng ở sân vận động Luzhniki vào ngày 15/7 tới.
Vì sao các đội bóng đến từ châu Âu vẫn thống trị World Cup? ảnh 1Niềm vui nghẹt thở của các cầu thủ Croatia sau khi giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu cân não trước đội chủ nhà Nga. (Nguồn: THX/TTXVN)

Vòng chung kết World Cup 2018 sắp đến hồi kết với hàng loạt những bất ngờ xảy ra, song có một điều chắc chắn sẽ không thay đổi: ngôi vô địch sẽ thuộc về một đội bóng đến từ châu Âu. 

Với việc Brazil và Uruguay bị loại ở vòng tứ kết, các đội bóng châu Mỹ đã chấm dứt hành trình tìm kiếm cúp vàng trên đất châu Âu của mình. Bốn đội bóng còn lại trên con đường đến đỉnh vinh quang đều thuộc Lục địa già và đây sẽ là lần thứ 4 liên tiếp các đội bóng châu Âu đăng quang, khẳng định sự thống trị của châu Âu tại các kỳ World Cup. 

Nhiều người cho rằng có thể là do vấn đề địa lý, sự phù hợp với khi hậu và môi trường thân thuộc giúp các cầu thủ châu Âu chơi tốt hơn. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề lớn, ít nhất là không nhiều như những gì đã được đề cập tới.

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là bóng đá Nam Mỹ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng. Đúng, Brazil đang chìm trong tình trạng thiếu thốn nhân tài khi Neymar thường xuyên ngã đẹp hơn là ghi bàn, Lionel Messi không còn là chính mình mỗi khi khoác áo đội tuyển quốc gia và Colombia không gặp may mắn trong các cú sút penalty.

[Huấn luyện viên Fernando Hierro chia tay đội tuyển Tây Ban Nha]

Các cổ động viên Nam Mỹ phải đi một chặng đường dài để tới Nga nhưng họ vẫn đến đó với số lượng lớn. Mỗi trận đấu mà Argentina, Colombia hay Peru tham gia thì họ vẫn nhận được sự cổ vũ của hàng vạn khán giả trên khán đài.

Tuy nhiên, họ vẫn phải chia tay giải đấu bằng cách này hay cách khác. Duy nhất có Brazil và Uruguay sống sót đến tứ kết trước khi để lại giải đấu cho người châu Âu.

Trong khi đó, các đội bóng châu Phi cũng không để lại dấu ấn gì khi tất cả đều bị loại sau vòng đấu bảng, cho dù có trường hợp bị loại rất đáng tiếc như Senegal.

Các đội bóng châu Á có màn trình diễn ấn tượng hơn một chút khi Nhật Bản vượt qua được vòng đấu bảng một cách thuyết phục và chỉ bị loại trong một trận cầu mà sự thiếu kinh nghiệm đã “làm hại” họ khi có lợi thế dẫn trước 2 bàn nhưng lại để Bỉ lội ngược dòng ở vòng 1/8.

Hàn Quốc không vượt qua được vòng đấu bảng nhưng đã có một trận đấu để đời khi đánh bại đương kim vô địch Đức 2-0 và tiễn đội bóng này về nước.

Sự đóng góp của các đội bóng CONCACAF cũng rất đáng ghi nhận, ngoại trừ tân binh Panama bị đánh giá là yếu nhất tại giải đấu lần này, khi Mexico có màn khởi đầu rất thuyết phục, vượt qua cả đội tuyển Đức, nhưng cuối cùng cũng chỉ đến được vòng 1/8 là phải xách vali về nước.

Trong một bức tranh bóng đá thế giới như vậy, châu Âu thống trị hoàn toàn ở rất nhiều các khía cạnh. Các đội bóng đến từ Lục địa già thống trị 5 trong số 8 bảng đấu và chỉ có 4 trong tổng số 14 đại diện có mặt tại World Cup lần này bị loại sau vòng đấu bảng là Đức, Ba Lan, Serbia và Iceland.

Những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế giới đều nằm ở châu Âu, các cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới đều thi đấu tại châu Âu. Vậy việc các đội bóng châu Âu thống trị là hiển nhiên bởi trình độ bóng đá ở châu lục này đang ở một tầm trên của phần còn lại thế giới.

Sự thống trị này có thể còn nhận thấy rõ hơn nữa khi World Cup sẽ được mở rộng cho 48 đội bóng tham gia vào năm 2026. Khi đó, khu vực châu Âu sẽ được phân bổ 16 suất tham gia và hầu như chắc chắn sẽ được chia đều vào 16 bảng đấu.

Một thông tin duy nhất có thể hỗ trợ các đội bóng đến từ các châu lục khác là việc ít nhất trong hai kỳ World Cup tới, năm 2022 và 2026, giải đấu sẽ được tổ chức bên ngoài châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục