Vì sao các lãnh đạo EU lo ngại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga

Bất kỳ cuộc gặp nào giữa các lãnh đạo cấp cao nhất trên thế giới đều mang ý nghĩa tích cực nhưng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Nga tới đây lại khiến các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lo ngại.
Vì sao các lãnh đạo EU lo ngại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài bình luận trên mạng cnbc.com ngày 3/7, chuyên gia Matt Clinch nhận định bất kỳ cuộc gặp nào giữa các lãnh đạo cấp cao nhất trên thế giới đều mang ý nghĩa tích cực nhưng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tới đây lại khiến các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lo ngại.

Theo ông Clinch, giới phân tích chính trị đang kỳ vọng chủ yếu vào các kết quả mang ý nghĩa biểu tượng của cuộc gặp Donald Trump-Vladimir Putin tại Phần Lan vào ngày 16/7.

Tuy nhiên, việc cuộc gặp này diễn ra chỉ một ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) làm dấy lên các lo ngại về khả năng Tổng thống Mỹ Trump sẽ chấp nhận nhượng bộ người đồng cấp Nga, nhất là liên quan đến việc triển khai hoạt động của NATO ở châu Âu.

Tổng thống Trump, vốn công khai chỉ trích những tồn tại và hạn chế của NATO, có thể sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Washington với các nước Đông Âu có chung đường biên giới với Nga - những nước đã và đang dựa chủ yếu vào sự bảo đảm an ninh của NATO.

[Nghị sỹ Mỹ: Các biện pháp trừng phạt đối với Nga không hiệu quả]

Các chuyên gia phân tích chính trị của “Nhóm Âu-Á” tin rằng EU sẽ phản ứng với bất kỳ thông điệp nào gây tổn hại tới an ninh của châu Âu hay lập trường chung giữa Brussels và Washington về vấn đề Ukraine của ông Trump trong cuộc gặp với V. Putin.

Ông Timothy Ash, chuyên gia cao cấp của hãng “BlueBay,” thậm chí còn cho rằng Tổng thống Trump có nguy cơ trở thành “con ngựa thành Trojan” trong NATO của Tổng thống Nga Putin.

Ông Ash nhận định “dường như ông Trump hài lòng trong việc đàm phán về chương trình hợp tác với Nga, trong đó có mục tiêu mà ông Putin rất mong muốn là chấm dứt hoạt động của NATO và Liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Đối với ông Putin, điều này có ý nghĩa tương tự việc Liên bang Xôviết giải thể năm 1991 nhưng theo chiều hướng ngược lại - khẳng định "chiến thắng hoàn toàn của Nga trước NATO."

Tổng thống Trump hiện cũng đang mâu thuẫn với nhiều lãnh đạo EU sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và việc Washington áp thuế đối với các sản phẩm kim loại nhập khẩu từ châu Âu.

Bất cứ vấn đề nào phát sinh thêm nữa sẽ chỉ càng làm gia tăng hố sâu ngăn cách trong lòng liên minh giữa Mỹ với châu Âu và tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư toàn cầu.

Điều mà các lãnh đạo EU lo ngại nhất liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga sắp tới chính là tính cách và hành động khó đoán định trước của Tổng thống Mỹ.

Cuộc gặp diễn ra sau chuyến công du Anh của Tổng thống Trump - nơi mà nhiều khả năng ông sẽ chỉ nhận được sự tiếp đón lạnh nhạt của công chúng nước này.

Cùng với đó là những khó khăn, thách thức trong hội nghị thượng đỉnh NATO trước đó tại Brussels.

Thực tế này có thể sẽ khiến ông Trump mong muốn đạt các kết quả tích cực trong cuộc gặp với người đồng cấp Putin trước khi kết thúc chuyến công du châu Âu về nước.

Hồi tuần trước, một số thông tin đăng trên trang “theatlantic.com” còn nhận định rằng Tổng thống Mỹ Trump có thể sẽ cam kết dừng các cuộc tập trận của NATO ở Ba Lan và các quốc gia Baltic mà phía Nga đã và đang phản đối. NATO vốn tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác giữa Mỹ và châu Âu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến nay.

Tuy nhiên, Donald Trump hiện đang làm suy yếu tổ chức này. Hồi tháng 5/2017, ông Trump từng từ chối cam kết đối với Điều 5 của Hiệp ước NATO – điều khoản đảm bảo các quốc gia thành viên NATO sẽ tương trợ lẫn nhau trong trường hợp một quốc gia thành viên bất kỳ bị tấn công.

Động thái này khiến giới lãnh đạo EU “ngồi trên đống lửa” mặc dù sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw (Ba Lan), ông Trump đã điều chỉnh lại tuyên bố trên.

Chuyên gia Clinch kết luận, trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã và đang căng thẳng, chuyến công du châu Âu sắp tới của Tổng thống Trump, trong đó có cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin tại Phần Lan, rất có khả năng sẽ là thách thức mới đối với giới lãnh đạo châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục