Vì sao các nước châu Á cần cân nhắc lại chính sách kinh tế chia sẻ?

Với việc mang lại rất nhiều giá trị tốt đẹp bề ngoài, nền kinh tế chia sẻ đã tạo dựng được đặc tính tốt mà không phải lúc nào cũng mang lại những tác động tích cực.
Vì sao các nước châu Á cần cân nhắc lại chính sách kinh tế chia sẻ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Aluance.digital)

Theo ông Godofredo Ramizo Jr, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại trường Đại học Oxford, mặc dù kinh tế chia sẻ đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, nhưng chính phủ các nước này cần có chính sách phù hợp để đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh cũng như quyền lợi của người tham gia ứng dụng chia sẻ.

Ông Godofredo lấy hình mẫu điển hình của kinh tế chia sẻ là các công ty chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc khi các thành phố của đất nước đông dân nhất thế giới này tràn ngập xe đạp. Tuy nhiên, chuyên gia này đã chỉ ra hàng triệu chiếc xe đạp không được quản lý đang gây vấn đề về môi trường và tắc nghẽn giao thông.

Tại Philippines, các doanh nhân nước này đang mua xe hơi mới để “chia sẻ." Các đại lý ôtô thậm chí tuyên bố việc chia sẻ xe là một trong những nhân tố giúp tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, điều này làm cho tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Malina thêm xấu đi.

Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư nước ngoài đang mua bất động sản tại khu Airbnb nhằm cho thuê bất chấp cư dân bản địa sống xung quanh cho rằng khách thuê nhà xâm lấn khu vực cư trú của họ.

Kinh tế chia sẻ đã trở nên phổ biến, mang lại nhiều điều tốt đẹp và đạt đến đỉnh cao tại châu Á. Năm 2018, Go Jek và Grab đã giúp ngân sách Indonesia tăng 6,6 tỷ USD trong khi quy mô kinh tế chia sẻ tại Trung Quốc đã lên tới 438 tỷ USD. Các công ty chia sẻ đã khai phá nhiều nguồn thu nhập mới cho những người vốn đang thất nghiệp hoặc có cuộc sống khó khăn. Khách hàng cảm thấy dễ dàng khi sử dụng dịch vụ trải rộng từ giao thông, giao nhận hàng hóa hay chỗ ở tạm thời.

Trong cuốn sách “What is in Mine is Your” (Cái gì của tôi là của bạn), hai tác giả Rachel Botsman và Roo Roger đã chỉ ra trong nền kinh tế chia sẻ, năng lực sử dụng không đúng mức được chia sẻ thông qua các nền tảng ứng dụng công nghệ. Điều này làm giảm gánh nặng mua, duy trì cũng như bảo dưỡng tài sản mới. Các quan niệm khác nhấn mạnh quyền sử dụng tài sản thay vì quyền sở hữu là vấn đề cốt lõi.

[Infographics] Kinh tế chia sẻ - tiềm năng lớn tại thị trường Việt Nam

Tuy nhiên, khi một tài sản được mua theo chủ đích dành cho các hoạt động mang lại lợi nhuận, liệu nó vẫn là chia sẻ quyền sử dụng hay chỉ đơn giản là bán quyền sở hữu? Khi số lượng xe đạp được bổ sung vào hệ thống chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc, chúng được mua với mục đích chỉ để cho thuê. Đây là mạng lưới cho thuê xe đạp chứ không phải chia sẻ. Một chiếc ôtô được mua vì mục đích lợi nhuận đôi khi có thể được sử dụng trong các dịch vụ cho thuê xe và có vẻ đây là sự chia sẻ. Nhưng khả năng này sẽ không tồn tại khi mà phương tiện không được mua cho các ứng dụng chia sẻ ngay lúc đầu. Các bất động sản tại Airbnb, Nhật Bản được mua bởi những nhà đầu tư thậm chí không sống tại Nhật Bản.

Trong các trường hợp này, nguồn lực được sử dụng quá mức. Khi đó, nguồn lực mới cần được bổ sung vào hệ thống. Mặc dù vậy, kinh tế chia sẻ đang được sử dụng rộng rãi trong môi trường kinh doanh vì đã giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường khi chia sẻ nền tảng kinh doanh và quy tắc đạo đức kinh doanh.

Khi được xem là một thành phần của nền kinh tế chia sẻ, một số doanh nghiệp có quyền tham gia vào các chương trình ưu đãi của chính phủ và đối với khối đầu tư tư nhân. Khi Chính phủ Trung Quốc chỉ định kinh tế chia sẻ là một chương trình ưu tiên quốc gia vào năm 2015, rất nhiều công ty với danh nghĩa chia sẻ xe đạp được hưởng lợi về thuế và dòng vốn đầu tư. Điều này đã tạo ra sự dư thừa cùng với vấn đề liên quan tới rác thải.

Thông qua việc đưa ra tín hiệu trao đổi trên phương châm chia sẻ thay vì kinh doanh kiểu truyền thống, các công ty công nghệ có thể có cơ sở để hoạt động không bị cản trở bởi các ràng buộc quy định.

Bằng cách tận dụng thông tin đăng nhập của họ với tư cách là các thực thể công nghệ hợp tác, các doanh nghiệp nền tảng có thể định hướng cho sự đối xử khác nhau. Ví dụ, chỉ thị về đi xe được sửa đổi tại Manila không yêu cầu xe ôtô chia sẻ hoạt động ở thành phố này phải tuân theo các quy tắc của các đối tác taxi. Điều này bao gồm việc kiểm định bắt buộc và bảo dưỡng tại các gara đắt đỏ. Các ứng dụng nền tảng cũng được phép đặt giá tự do hơn. Chính từ những khác biệt trong chính sách đối với từng loại hình, xung đột đã nổ ra giữa các ứng dụng chia sẻ và công nhân truyền thống.

Các nhãn hiệu danh tiếng cũng có thể che lấp những hậu quả xã hội không mong muốn phát sinh từ sự thành công của các ứng dụng. Việc chia sẻ căn hộ cho thuê không hạn chế có thể hạ giá nhà ở và dẫn đến tình trạng xâm lấn văn hóa không mong muốn. Với nhiều ôtô được mua để sử dụng trên các ứng dụng chia sẻ có thể hình dung được tác nhân bổ sung vào tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tắc nghẽn giao thông tại các thành phố Đông Nam Á.

Cạnh tranh từ các nền tảng ứng dụng đã làm giảm thu nhập và dẫn đến sự tổn thương của những người chạy taxi truyền thống. Ví dụ, ít nhất 10% người đi làm ở Hà Nội, Jakarta, Singapore và Kuala Lumpur đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng chia sẻ, qua đó gián tiếp làm mất thu nhập đáng kể cho các tài xế taxi.

Ông Godofredo Ramizo cho rằng các Chính phủ nên thành lập các đơn vị đặc biệt để giải quyết khiếu nại của công dân. Sự hiện diện của đội ngũ nhân viên trợ giúp cho các ứng dụng đi xe ở Philippines và Chính phủ Indonesia là một bước đi đúng hướng.

Các chính sách do Chính phủ ban hành cần phản ánh thực tế sự tham gia của bộ phận nhân công vào nền kinh tế chia sẻ tại các quốc gia châu Á là những người lao động phi chính thức và dễ bị tổn thương. Chính phủ các nước phải đảm bảo đội ngũ lao động hoạt động trên các nền tảng ứng dụng cũng được hưởng các quyền lợi và các biện pháp bảo vệ xã hội đầy đủ như lương hưu và bảo hiểm y tế. Các cơ chế phải tồn tại để đảm bảo tuân thủ thuế.

Việc đăng ký các chương trình bảo trợ xã hội quốc gia và đăng ký thuế có thể được bao gồm trong quá trình đăng ký tham gia các ứng dụng này. Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia nghiên cứu phải tạo ra một khung pháp lý tốt hơn để làm rõ các điểm khác nhau của từng loại giao dịch và chứng minh với sự thuyết phục cao về việc một số loại hình chia sẻ nhất định xứng đáng được đối xử đặc biệt. Điều này sẽ giải quyết tranh chấp giữa các công ty công nghệ và người kinh doanh truyền thống.

Mục đích của việc mua tài sản có thể được sử dụng để xác định xem tài sản sẽ được sử dụng để chia sẻ chính hãng hay hoạt động trên ứng dụng định hướng lợi nhuận. Một ứng dụng chia sẻ và những người tham gia nên được điều chỉnh dựa trên khả năng thành phần không chia sẻ trong hệ sinh thái này có ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài. Mọi thứ chỉ thực sự công bằng khi ứng dụng và những người tham gia chịu một số chi phí từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài hoặc bị buộc phải giảm thiểu chúng.

Với việc mang lại rất nhiều giá trị tốt đẹp bề ngoài, nền kinh tế chia sẻ đã tạo dựng được đặc tính tốt mà không phải lúc nào cũng mang lại những tác động tích cực. Kết quả là các công ty ứng dụng đã giành được những lợi thế nhất định trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các thị trường đang cần nhiều hơn thế, đòi hỏi một sự quan tâm đối với việc giảm thiểu những tác động xã hội tiêu cực có thể xảy đến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục