Vì sao khó nói không với Louis Voitton?

Vì sao khó nói không với Louis Vuitton?

Những thành công và sức hút trong hơn 10 năm trở lạ đây của Louis Vuitton có sự đóng góp rất lớn từ Marc Jacobs, giám đốc sáng tạo của hãng.
Mặc cho cơn khủng hoảng kinh tế đổ ập xuống và ảnh hưởng toàn thế giới, những chiếc túi Louis Vuitton với giá không dưới 1.000 USD vẫn được tiêu thụ ồ ạt.
 
Mặc cho vẻ đìu hiu tại các trung tâm mua sắm cao cấp, bên ngoài các cửa hàng Louis Vuitton vẫn có chuỗi người xếp hàng dài đợi được bước vào vùng “đất thánh”.

Chắc chắn rằng thành công và sức hút trong hơn 10 năm trở lạ đây có sự đóng góp rất lớn từ Marc Jacobs, giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton.
 
Tiểu sử của Marc Jacobs đã được ghi trong nhiều sách giáo khoa thời trang. Marc học trường trung học nghệ thuật và thiết kế trong khi làm phụ thêm việc sắp hàng hóa trong kho tại một cửa hiệu ở thành phố New York.
 
Tốt nghiệp năm 81, Marc đăng ký học tiếp tại trường thiết kế Parsons. Công việc đầu tiên của Marc là tại Perry Ellis, một thương hiệu nổi tiếng trước tiên với trang phục thể thao. Giai đoạn làm việc của Marc ở Perry Ellis khá ngắn ngủi vì phong cách trẻ và hơi nổi loạn của anh (cảm hứng từ dòng nhạc grunge ở Seattle) không hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ tại hiệu thời trang hơi cổ điển này.
 
Không hề thoái chí, Marc cùng với Robert Duffy xây dựng nên thương hiệu của riêng mình và năm 1986, Marc có bộ sưu tập đầu tiên mang chính tên mình.
 
Dù bị tống khỏi Perry Ellis nhưng năm 87, Marc nhận được giải thưởng cao quý nhất của ngành thời trang mang tên Perry Ellis và được trao tặng bởi Hiệp hội những nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA). Anh là người trẻ nhất nhận được giải thưởng này.
 
Năm 92, CFDA lại trao tặng Marc một phần thưởng danh giá khác: Nhà thiết kế thời trang cho giới nữ của năm. Năm 1998, Marc trở thành giám đốc sáng tạo cho Louis Vuitton cho đến nay, song song với nhãn hiệu của riêng mình.
 
Bước ngoặc: Rời khỏi Perry Ellis

Năm 1993, lúc 29 tuổi, Marc Jacobs được đánh giá là một người thiết kế thời trang tài năng nhưng là một kẻ kinh doanh kỳ lạ khi tuyên bố “Để hợp thời trang, bạn chỉ cần tiền và điều đó chẳng có gì thú vị cả”.
 
Công ty Perry Ellis cũng nghĩ rằng Marc chẳng có gì thú vị nên quyết định chấm dứt sản xuất bộ sưu tập dành cho nữ mà Marc thiết kế trong vòng 4 năm vì không mang lại lợi nhuận thỏa đáng dù rằng bộ sưu tập phong cách grunge này được bàn tán lẫn chụp ảnh nhiều nhất.
 
Công ty Perry Ellis đã thuê Marc cùng Robert Duffy để vực dậy phần kinh doanh các sản phẩm cho nữ của công ty, vốn bị sa sút từ khi Perry Ellis qua đời năm 1986. Đó là một cách nghĩ thông thường: một hình ảnh nhà thiết kế mạnh mẽ, ấn tượng sẽ cần cho việc duy trì tên tuổi một thương hiệu.
 
Hầu hết các nhà thiết kế đều kiếm tiền từ các sản phẩm bán “license”, được sản xuất hàng loạt và hướng đến công chúng số đông, từ đồ jeans và mắt kính cho đến áo lông thú và nước hoa. Những bộ sưu tập thời trang kiểu “chữ ký” của họ thường dẫn đầu về việc lỗ lã.
 
Từ từ, Perry Ellis vỡ lẽ ra rằng không hề có sự tác động tương hỗ giữa phong cách thời trang hào nhoáng của Marc - những chiếc áo len có hoa văn đường chân trời New York, váy dự vũ hội trang điểm bằng cảnh Hollywood được vẽ bằng tay - với việc bán các sản phẩm có phần tẻ nhạt như áo sơ mi và cà vạt cho nam, khăn choàng và mắt kính mát cho nữ, vốn thu được 700 triệu đôla/năm.
 
Perry Ellis hẳn ước gì các sản phẩm của Marc cũng xuất hiện khắp nơi như chính nhà thiết kế này. Giai đoạn này, Marc từ người khoác áo cho ngôi sao đã chính mình trở thành một ngôi sao.
 
Anh xuất hiện cùng Anna Sui trong bữa ăn tối tôn vinh nhà tạo mẫu tóc lừng danh Vidal Sassoon, có mặt tại party của Nina Griscom tại căn hộ của cô ở Park Avenue và tại buổi diễn ra mắt vở opera dành cho thiếu nhi của Carly Simon, bạn của Marc.
 
Báo giới bắt đầu đặt câu hỏi rằng “ông Jacobs, vốn đã vào ra ngành thời trang quá nhiều lần đến mức khi mới 25 tuổi đã được gọi là có “sự trở lại”, có thể tạo ra phép màu nữa không?”
 
Cho đến lúc đó, sự nghiệp của Marc đã nhiều lần chìm nổi. Không giống các đồng nghiệp khác như David Cameron và Stephen Sprouse vốn thành công mặt báo nhiều hơn trong sự nghiệp, Marc đã làm việc đều đặn trong vòng 8 năm.
 
Trước khi anh và Robert Duffy vào làm việc ở Perry Ellis năm 88, họ đã cùng nhau làm việc qua 3 công ty, vượt qua các khó khăn như phải hủy show vì trang phục bị kẹt ở hải quan hay mất hết các sản phẩm của một mùa thời trang vì nhà kho bị cháy. Vài thiết kế đầu của họ cho Perry Ellis bị phê bình hoặc “quá Perry” hoặc “chưa đủ chất Perry.”
 
Một số nhà phê bình không thể nào hiểu được việc bắt một số người mẫu đẹp nhất thế giới mặc chiếc váy lụa giá 1000 đô đi với giày lính hoặc sandal cao su. Marc giải thích “Tôi muốn họ có dáng vẻ như họ đang bước trên đường phố chứ không phải như búp bê. Đó là dáng vẻ của các cô gái đẹp ngày nay: họ trông như hơi không quan tâm lắm đến thời trang.”
 
Với Marc, ngành thời trang, giống như làng nhạc và điện ảnh, không hề dựa trên lô-gíc. “Tôi không nghĩ khi ‘The Crying Game’ phát hành lại có ai đó nghĩ là phim này sẽ được đề cử giải Oscar và trở thành hiện tượng chỉ sau một đêm, kiếm được bộn tiền, nhưng nó đã làm được” Marc nói, phong thái như một VJ MTV.
 
“Không một ai trong làng nhạc có thể nghĩ rằng album ‘Nevermind’ của Nirvana có thể trở thành đĩa nhạc thu về hàng triệu đôla. Nhưng nó đã làm được điều đó bởi vì người ta muốn thay đổi nhưng họ không hề biết thay đổi đó là gì”.
 
Các show diễn thời trang của Marc Jacobs không gói gọn trong show thời trang kiểu cũ mà trở thành một màn trình diễn, đôi khi lại giống một lần đi hộp đêm: hàng ghế đầu được bọc ren, có champagne ướp lạnh, có ban nhạc chơi tưng bừng (Sonic Youth, nhóm nhạc grunge toàn nữ L7 và đầu tàu của dòng grunge là Nirvana từng diễn trong một show thời trang của Marc lúc còn làm việc cho Perry Ellis).
 
Marc đã xài 300.000 đôla cho những show diễn mà lượng người thích ngang bằng số kẻ ghét. Ý tưởng của Marc phía sau những grunge-show này là thay đổi, làm sáng tỏ các tiêu chuẩn về ăn mặc.
 
“Nó mang lại cho con người những lựa chọn. Người ta sẽ dễ hiểu và dễ chấp nhận hơn khi nói cụ thể rằng ‘Bạn nên mặc váy dài đến đây, với đôi giày trông như thế kia.’ Nhưng khi đưa ra nhiều lựa chọn thì khó thuyết phục hơn.”
 
Marc không đưa ra dự đoán rằng phụ nữ sẽ ăn mặc như thế nào trong tương lai nhưng anh lại hiểu rõ về quá khứ và việc thời gian đã thay đổi nhận thức, định nghĩa của cái đẹp hay sự quyến rũ như thế nào.
 
Năm 1993, Marc đã tuyên bố “Khi bạn hỏi một nhà thiết kế biểu tượng của phong cách của họ là gì, họ sẽ trả lời là Jackie Kennedy, Katharine Hepburn và Audrey Hepburn. Có rất ít người nhắc đến một cô gái nào đang sống ở thời hiện tại.
 
Nếu bạn nhìn vào Hollywood, nhìn vào Julia Roberts hay Juliette Lewis hay Winona Ryder, trông có vẻ như họ không gội đầu và mặc váy mua từ các cửa hàng từ thiện.
 
Vì vậy, người ta nghĩ các ngôi sao này nên mặc trang phục sang trọng, choàng khăn lông chim và đeo kim cương từ Harry Winston. Họ không hiểu rằng có sự quyến rũ mê hoặc từ kiểu ăn mặc có vẻ tồi tàn kia.”
 
“Khi họ nhắc đến Katharine Hepburn, họ không nhớ rằng có những bức ảnh Joan Crawford mặc chiếc váy kim tuyến vàng, cắt xéo và kế bên là Katharine Hepburn với quần tây, mang tất và sandal, trông xấu nhất trần đời.
 
Giờ đây chúng ta nhìn lại và nói ‘Không phải cô ấy có phong cách tuyệt vời nhất thế giới sao?’ Trong khi các ngôi sao khác cứ lấp lánh kim tuyến ánh vàng ánh bạc, Katharine có kiểu đi ngược lại mọi thứ. Phong cách grunge cũng giống như vậy.”
 
Tỏa sáng tại Louis Vuitton
 
Chỉ là một tiệc khai trương cửa hàng nhưng các hoạt động lễ hội diễn ra ở phía sau trung tâm Lincoln ở thành phố New York có thể sánh ngang với việc hạ thủy tàu Queen Mary.
 
Đó là lễ khai trương cửa hàng Louis Vuitton ở New York vào đầu năm 2004 và một tấm bạt lớn thấp thoáng hình chiếc rương phủ đầy logo LV được dựng lên.
 
Phía bên trong, nhìn lên trần là những ngôi sao nhỏ hình logo LV lấp lánh, phủ lên một đám đông toàn các ngôi sao tụ tập chúc mừng cho cửa hàng 4 tầng của LV tại Fifth Avenue.
 
Thương hiệu 150 năm tuổi Louis Vuitton có thể là ngôi sao của đêm đó nhưng trên mặt đất, mọi bàn tán đều xoay quanh Marc Jacobs, giám đốc sáng tạo của LV kể từ năm 1997. Từ khi có Marc, LV mới có chuỗi thời trang ready-to-wear đầu tiên và Marc mở rộng biên độ tên tuổi cho LV.
 
Thương hiệu LV từ hình ảnh một nhà thiết kế hành lý cao cấp được biến thành nổi tiếng nhờ thời trang may sẵn và các phụ kiện. Dĩ nhiên, túi xách vẫn là mặt hàng chìa khóa và Marc cộng tác với nhiều nghệ sĩ như Stephen Sprouse, Takashi Murakami, Richard Prince và cả rapper Kanye West để tung ra những thiết kế túi xách theo từng mùa.
 
Nhưng tin đồn xì xầm trong căn lều hôm đó là Marc không hài lòng với việc LVMH đối xử nhãn hiệu riêng của anh và đã được tập đoàn đối thủ là Gucci Group mời về thiết kế cho thương hiệu Yves Saint Laurent.
 
Dĩ nhiên Bernard Arnault, chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn LVMH, phủ nhận tin này, tuyên bố quan hệ giữa 2 bên vẫn đang rất tốt và Marc có triển vọng trở thành tên tuổi lớn cỡ Ralph Lauren hay Donna Karan. Năm đó mới 40 tuổi nhưng Marc đã có ảnh hưởng đối với thế hệ trẻ trong làng thời trang hơn những thương hiệu kia.
 
Dòng túi Multicolore mà Marc hợp tác thiết kế cùng nghệ sĩ người Nhật Takashi Murakami thành công rực rỡ, thu vào 300 triệu đôla trong năm 2003. Yves Carcelle, giám đốc điều hành Louis Vuitton nói “Marc luôn có tầm nhìn về những gì mà mọi người muốn trong tương lai.
 
Với túi Murakami, anh ấy đến gặp tôi và nói ‘Xem này, chúng ta đã qua giai đoạn xám sau sự kiện 11/9. Chúng ta cần tinh thần lạc quan, một cái nhìn tươi mới, thậm chí có thể ngây thơ về thế giới.’ Khi những chiếc túi sáng sủa, đầy màu sắc đó xuất hiện trên sàn diễn, mang đề án sự khuây khỏa thật mới nên đó là những gì mà mọi người muốn.”
 
Dù sản phẩm của mình nổi đình nổi đám nhưng cá nhân Marc vẫn giữ cái dáng vẻ “cậu nhóc grunge.” Anh không lấp lánh như các đồng nghiệp Tom Ford hay Donatella Versace, làm việc gần như 365 ngày/năm, thường cặp kè với Elizabeth Peyton hay Sofia Coppola.
 
Gu thẩm mỹ grunge-gặp-gỡ-sự-quyến-rũ của anh được lấy cảm hứng từ bạn bè và từ từ thấm vào thế giới thời trang, cả lớp xa xỉ lẫn bình dân. Nếu như phong cách Amazon mà Tom Ford thực hiện cho Gucci trở thành thể hiện sự thừa mứa và cả suy đồi của thập niên 90 thì kiểu thoải mái và bình dân của Marc trở thành nét đặc trưng cho thập niên này.
 
Sinh năm 1963 ở thành phố New York, Marc được nuôi dưỡng bởi bà nội (người mà anh vẫn tôn vinh là “nàng thơ thời trang” của anh) ở khu Upper West Side, mặc quần ống loe và học trường trung học nghệ thuật và thiết kế, đồng thời xếp áo len tại cửa hàng Charivari sau giờ học. Ba anh mất từ khi anh còn rất nhỏ và mẹ thì “kết hôn lại nhiều lần.” Đó là một tuổi trẻ không hề có rào cản.
 
“Chưa có ai nói “Không” với tôi về bất cứ điều gì. Không ai nói với tôi rằng điều gì đó là sai. Không ai nói rằng “Con không thể là một nhà thiết kế thời trang” hay “Con là con trai và không thể để tóc dài” hoặc “Con không thể đi chơi hàng đêm bởi con mới 15 tuổi và trẻ 15 tuổi không thể vào hộp đêm.”
 
Không ai nói rằng đồng tính là sai và yêu người khác giới mới là đúng.” Chính vì vậy, Marc được tự do, phóng khoáng theo đuổi những gì mình thích và anh luôn nhìn về thập niên 70 với vẻ trìu mến. Ngay trong thiết kế, Marc luôn bênh vực việc hồi sinh phong cách của thập niên 70.
 
Ở cộng sự Robert Duffy, Marc cũng tìm được một người không bao giờ nói “không.” “Thật khó để Marc có thể thiết kế một chuỗi sản phẩm mà luôn có người kè kè, nói rằng ‘anh không thể làm thế này, không thể làm thế khác.
 
Nhà thiết kế là những người sáng tạo và họ luôn cần có một khoảng tự do nào đó,” Robert nói, giống như một ông bố yêu thương vô điều kiện hơn là một người kinh doanh đang bàn về phiếu ăn hàng ngày. Marc cũng đánh giá rất cao Robert “Không ai có thể làm điều này một mình.
 
Donna Karan có chồng của chị ấy. Calvin Klein có Barry Schwartz. Mọi người cần có một ai đó họ có thể tin tưởng trong kinh doanh lẫn cuộc sống. Tôi có Robert và anh ấy có tôi.”
 
Marc có một khả năng kỳ lạ, khéo léo mang sự xa xỉ lẫn bình dân đến những trang phục lịch lãm: một chiếc áo ấm mặc lót trong làm từ chất liệu cashmere hoặc chiếc quần cargo thụng được cắt gọt lại thành quần cho bộ tuxedo.
 
Nếu như Calvin Klein là biểu tượng của chủ nghĩa tối giản, Ralph Lauren là quý ông lịch lãm, Donna Karan là bà hoàng công sở thì Marc là một sự tổng hợp chiết trung của những thứ đó. Marc rất khéo trong việc thu hút những đối tượng người mua khác nhau.
 
Ở Louis Vuitton, anh quyến rũ sự thèm khát của người tiêu dùng, mua những thứ hơi vượt quá tầm giá mà cô gái đó định ra. Với thương hiệu Marc Jacobs của riêng mình, giá rẻ hơn và ý định của Marc là tạo ra phong cách thời trang cao cấp cho người tiêu dùng trẻ hơn.
 
Marc và Robert không cần phải xây dựng một mẫu hình kinh doanh giống như Donna Karan, Calvin Klein hay Ralph Lauren. Như Robert tuyên bố “Họ hấp dẫn những đối tượng riêng biệt với phong cách sống cụ thể và Marc cũng làm được như vậy, chỉ có điều đối tượng trẻ hơn và không thích hợp để xếp loại rạch ròi./.
 
Chúng tôi luôn tin rằng người ta không cần mặc đồ của nhà thiết kế từ đầu đến chân. Họ có thể mặc chiếc áo sơ mi 40 đô với đôi giày 600 đô. Đó là cách mà chúng tôi thể hiện trong các bộ sưu tập của mình.”
 
Ý tưởng của Marc, bán chiếc áo thun 10 đô với áo jacket 2.000 đô như từng phần của một bộ sưu tập thống nhất có thể sẽ là trào lưu trong tương lai. “Đó là một khái niệm thú vị,” Kalman Ruttenstein của chuỗi Bloomingdale nói.
 
Rõ ràng những thiết kế của Marc luôn nhận được những lời phê bình sôi nổi và sẽ được bắt chước hàng loạt trong mùa kế tiếp. Bộ sưu tập mùa thu 2005 của Marc với những chiếc áo cánh in hình sặc sỡ như hề đã dẫn đến vô số nhà thiết kế chuyển sang những hoa văn rất liều lĩnh. Bộ sưu tập mùa thu 2006, khơi dậy phong cách grunge đã tạo cảm hứng cho làng thời trang cả năm sau đó.
 
Đầu năm 2007, sau một show diễn của Marc, Cathy Horyn - cây viết thời trang cho tờ New York Times - đã viết “trong vòng 3 show diễn gần nhất, anh ấy đã cố gắng vượt ra khỏi những giới hạn thông thường của bục diễn và mang đến cho trang phục những cảm xúc trước đây chỉ có từ một bộ phim để đời hay một bức tranh tuyệt tác.”
(TTVH&Đàn Ông/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục