Vì sao kích thước "cậu nhỏ" lại trở thành vấn đề gây ám ảnh?

Kích thước của bộ phận sinh dục nam dường như là mối quan tâm của không chỉ riêng của cánh đàn ông tại nhiều xã hội, với niềm tin chung rằng "càng lớn càng tốt". Nhưng liệu điều này có đúng?
Vì sao kích thước "cậu nhỏ" lại trở thành vấn đề gây ám ảnh? ảnh 1Kích cỡ "cậu nhỏ" thực tế không quan trọng như người ta vẫn tưởng. (Nguồn: Mashable)

Nếu chỉ nhìn từ góc độ văn hóa, quan điểm về kích thước bộ phận sinh dục nam được nhiều xã hội chấp nhận rộng rãi là "lớn hơn thì tốt hơn". Nhưng xét từ các góc độ khác, niềm tin này lại không hoàn toàn đúng.

Trang tin Mashable dẫn một nghiên cứu của công ty Clue vào năm 2019 cho thấy phụ nữ dị tính và song tính đánh giá độ dài "cậu nhỏ" của đàn ông chỉ khoảng 13cm là lý tưởng. Trong khi đó, đàn ông đồng tính nam và song tính thường lại chọn một kích cỡ lớn hơn một chút, nhưng cũng chỉ dừng ở mức trung bình như lựa chọn của nữ giới.

Thực tế này đặt ra câu hỏi: nếu kích thước trung bình không những đủ tốt mà còn khá lý tưởng, theo nghĩa đen, đối với hầu hết mọi người, thì tại sao tất cả chúng ta lại bị ám ảnh bởi quan niệm rằng "cậu nhỏ" càng lớn càng khiến đàn ông giàu "nam tính" và ngược lại?

Để tìm hiểu tận cùng lý do tại sao chúng ta lại quá coi trọng những "cậu nhỏ" có kích thước lớn, phải xem xét cách chúng được nhìn nhận trong các nền văn hóa trên khắp thế giới.

Bộ phận sinh dục nam từ lâu đã trở thành biểu tượng về khả năng sinh sản, tình dục và niềm vui trên khắp các châu lục và nền văn hóa. Người Hy Lạp cổ đại có nhiều câu chuyện liên quan tới hình tượng bộ phận sinh dục nam. Hay như lễ hội Kanamara Matsuri ở Nhật Bản hiện đại, vẫn diễn ra hàng năm vào tháng Hai, bao gồm các cuộc diễu hành theo chủ đề bộ phận sinh dục nam giới.

Cho đến tận ngày nay, hoạt động mô tả cơ quan sinh dục nam giới vẫn thâm nhập vào văn hóa đương đại theo nhiều cách. Và một nghiên cứu do Đại học Oxford thực hiện vào năm 2019 thấy rằng việc mô tả bộ phận này trên truyền thông có thể ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng về kích thước chuẩn.

Nghiên cứu đưa ra một nhận xét thú vị rằng các kênh truyền hình và tạp chí dành cho nam giới  thường "củng cố thông điệp văn hóa rằng kích thước lớn khiến đàn ông trở nên 'nam tính' hơn".

Nghiên cứu tiếp tục cho thấy rằng các nội dung khiêu dâm cũng gây ảnh hưởng mạnh tới niềm tin chung về kích thước "cậu nhỏ." Một phần là do kích thước của bộ phận này được miêu tả trong các sản phẩm khiêu dâm đều lớn hơn đáng kể so với kích thước trung bình. Kết hợp với nội dung mang tính tưởng tượng, không chân thực, phim và các sản phẩm khiêu dâm cũng góp phần tạo ra một bức tranh sai lệch, về những gì thực sự mang tới sự thỏa mãn tình dục.

Khi bị ám ảnh bởi kích cỡ, nhiều khi người ta quên mất một điều quan trọng: Tình dục không phải là một hành động có thể tạo ra bởi một bên. Cũng không ai có thể vỗ ngực khẳng định mình "siêu đẳng" hơn kẻ khác trong chuyện chăn gối.  Tất cả phụ thuộc vào cách bạn điều khiển cuộc yêu như thế nào, chứ không phụ thuộc vào vấn đề kích cỡ.

Vì vậy, nếu cảm thấy bất an về việc bạn tình của mình không thể thỏa mãn, hãy đừng nản lòng và đổ lỗi cho "cậu nhỏ". Pauline Ryeland, một chuyên gia về tình dục, nói với Mashable rằng trong quan hệ chăn gối, sự thân mật và cảm giác được kết nối mới là những điều tối quan trọng.

"Nếu không có sự kết nối của con tim, và bạn lên giường chỉ vì mục đích thỏa mãn nhục dục, sẽ có rất nhiều thứ sẽ bị bỏ lỡ, " Pauline nói. Sự không hài lòng với chất lượng của hoạt động quan hệ tình dục, sự thiếu tự tin về cơ thể có thể gây ra hoặc làm tăng thêm các vấn đề sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.

Ryeland nói với Mashable rằng bà luôn yêu cầu khách hàng của mình kiểm tra xem những cảm giác không hài lòng liên quan tới cuộc sống tình dục của họ, cũng như kích cỡ "cậu nhỏ" bắt nguồn từ đâu. Bà nói thêm rằng thông thường sự không hài lòng thường do khách hàng tự áp đặt lên bản thân, hiếm khi do bên ngoài tạo ra. Bà khuyên những người đang tự ti về kích cỡ nên tìm cách huấn luyện mình chỉ tập trung vào cuộc yêu và sự kết nối, thay vì theo đuổi những suy nghĩ tiêu cực.

Họ chỉ cần nhớ một điều rằng kích cỡ của "cậu nhỏ" chưa bao giờ là vấn đề. Đó không phải là thước đo cho độ nam tính hay khả năng tình dục vượt trội. Đó chỉ là một sai lầm về nhận thức, đã được định hình và củng bố bởi các yếu tố văn hóa trong suốt một thời gian dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục