Vì sao kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm mạnh trong quý 1?

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Vì sao kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm mạnh trong quý 1? ảnh 1Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2022, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh và tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Bangladesh.

Tuy nhiên, từ nửa cuối năm ngoái, đặc biệt là quý 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ.

Nguyên nhân do đâu?

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,298 tỷ USD, tăng 18,11% so với tháng trước nhưng giảm 12,91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quý 1/2023 đạt 5,087 tỷ USD, giảm 17,97% so với cùng kỳ 2022.

Không riêng Việt Nam mà trong quý 1, các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh với Việt Nam cũng suy giảm đáng kể. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm 18,6%. Bangladesh mặc dù vẫn giữ được đà tăng, nhưng không duy trì được con số xuất khẩu trên 4 tỷ USD/tháng của năm ngoái. Pakistan và Campuchia trong tháng 2 giảm 28% và 23,1%.

Các thị trường nhập khẩu lớn hàng dệt may Việt Nam cũng suy giảm. Thị trường Hoa Kỳ, tháng 2/2023 nhập khẩu tiếp tục suy giảm tháng thứ tư liên tiếp, giảm 8% so với cùng kỳ. EU tháng 1/2023 giảm 25%; Nhật Bản giảm 17%; Trung Quốc giảm 54% so với cùng kỳ...

Phân tích nguyên nhân, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài hơn 1 năm qua đã kéo theo sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế thế giới, dẫn đến các chính sách thắt chặt tiền tệ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.

[Ngành dệt may đặt tham vọng xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023]

Hàng loạt các tín hiệu tiêu cực từ cuối năm 2022 như: tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, tình trạng lạm phát cao, lãi suất tăng,… đã cho thấy nhu cầu về hàng dệt may cũng sẽ giảm trong năm 2023, đặc biệt là tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU.

Theo ông Hiếu, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời hoạt động cho vay gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn ở mức cao, ách tắc về giải ngân vốn và thiếu vắng các biện pháp mang tính hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng quan điểm trên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay với tình hình chung, không chỉ Việt Nam mà kể cả các quốc gia đang làm may mặc xuất khẩu đều có tín hiệu giảm sút về đơn hàng.

Lý do giảm lớn nhất hiện nay chính là giảm cầu tiêu thụ, có thể xuất phát từ lạm phát tăng quá cao, hơn nữa khi giá cả tăng quá cao thì khách hàng lại tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn những mặt hàng tiêu dùng khác.

Các chuyên gia dự báo tình hình kinh tế thế giới nói chung và ngành dệt may nói riêng trong quý 2 vẫn không mấy khả quan. Nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… do suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt.

Không chỉ vậy, dệt may Việt Nam phải cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa Trung Quốc khi nước này mở cửa sau một thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo trong quý 2, tình hình đơn hàng có thể cải thiện về số lượng nhưng tiếp tục khó khăn về đơn giá khi áp lực chi phí cao trong khi biên lợi nhuận của doanh nghiệp chưa được cải thiện.

Giải pháp dài hơi cho ngành dệt may

Theo các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có và để có thể phát triển bền vững, ngành dệt may Việt Nam cần nhiều giải pháp đa dạng.

Để nâng cao sức cạnh tranh, theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cùng với tích cực tìm kiếm những cơ hội, đơn hàng mới doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn “xanh” của các thị trường xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó như hiện nay, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp không nên có suy nghĩ quay lại thị trường nội địa mà cần chủ động tìm đến các thị trường mới.

Về dài hạn, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu và tiếp cận các chính sách tín dụng xanh của Chính phủ, của các tổ chức quốc tế để đầu tư chuyển đổi số, xanh hóa và tuần hoàn.

Vì sao kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm mạnh trong quý 1? ảnh 2Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Trước đó, ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo chiến lược này, phấn đấu giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 6,8-7%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 7,2-7,7%/năm; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày cả nước năm 2025 đạt 77-80 tỷ USD và năm 2030 đạt 106-108 tỷ USD.

Theo mục tiêu đề ra, phấn đấu giai đoạn 2031-2035, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giày đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững; thời trang Việt Nam được ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới với các sự kiện về thời trang thu hút được sự quan tâm và tham gia của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới.

Để đạt được mục tiêu chung, Chiến lược đưa ra các giải pháp trọng tâm về: phát triển thị trường; thu hút đầu tư và phát triển chuỗi giá trị trong nước; phát triển nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất; tổ chức quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hóa ngành dệt may, da giày và cơ chế tài chính, thuế và nguồn vốn.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 là hành lang pháp lý để dệt may Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh trong 15 năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục