Vì sao Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục ganh đua trên Mặt Trăng?

Trong năm 2019, Trung Quốc đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò ở vùng tối của Mặt Trăng, tuy nhiên thực tế thì Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực không gian.
Ngày 17/12/2020, tàu vụ trũ Thường Nga 5 của Trung Quốc đã trở về Trái Đất, kết thúc hành trình khám phá Mặt Trăng cũng như mang về các mẫu đất đá thu thập được từ hành tinh này. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 17/12/2020, tàu vụ trũ Thường Nga 5 của Trung Quốc đã trở về Trái Đất, kết thúc hành trình khám phá Mặt Trăng cũng như mang về các mẫu đất đá thu thập được từ hành tinh này. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dù Mỹ không còn duy trì được sự vượt trội trong lĩnh vực không gian, song họ vẫn là quốc gia đi đầu, bất chấp thực tế Trung Quốc đang vươn lên nhanh chóng.

Quan trọng nhất, cả hai quốc gia này cùng với phần còn lại của thế giới, sẽ được hưởng lợi từ sự hiện diện của các quy tắc cụ thể trong quản lý hoạt động thăm dò và thương mại hóa không gian.

Hai tác giả Anne-Marie Slaughter và Emily Lawrence mới đây đã có bài phân tích đăng trên trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nhấn mạnh tới sự cần thiết hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong năm 2019, Trung Quốc đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu thăm dò ở vùng tối của Mặt Trăng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng khi gần đây nhất là sứ mệnh Thường Nga 5 (Chang’e-5) để thu thập các mẫu vật trên Mặt Trăng.

Về phần mình, nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã có những quan tâm tích cực đến lĩnh vực không gian khi từng tuyên bố rằng Mỹ sẽ đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng vào năm 2024, đồng thời xây dựng Lực lượng Không gian mới thuộc quân đội Mỹ.

Giai đoạn cạnh tranh tiếp theo trong lĩnh vực không gian sẽ liên quan đến việc thiết lập một cơ sở khai thác trên Mặt Trăng.

Việc khai thác Mặt Trăng quan trọng vì hai lý do. Đầu tiên, băng trên bề mặt Mặt Trăng có thể chuyển hóa thành khí hydro và oxy qua đó có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho tên lửa, điều này rất quan trọng cho các nhiệm vụ không gian sâu và xa hơn.

Thứ hai, bề mặt Mặt Trăng chứa các kim loại đất hiếm có giá trị cao được sử dụng trong các công nghệ sản xuất điện thoại di động, pin và thiết bị quân sự.

Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 90% kim loại đất hiếm trên thế giới, một ưu thế đáng kể so với các quốc gia khác, kể cả Mỹ.

Bằng cách tìm kiếm nguồn cung cấp các kim loại này từ Mặt Trăng, các quốc gia có thể giảm sự phụ thuộc đối với mặt hàng này vào Trung Quốc.

Về mặt lịch sử, khai thác mỏ và bất kỳ yêu sách nào khác đối với các vật thể trong không gian đều bị cấm theo Điều II Hiệp ước Bầu trời Mở (OST) năm 1967.

Thỏa thuận này là kết quả của sự hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô (cũ), hai cường quốc không gian hàng đầu thế giới vào thời điểm đó.

Bất chấp những cạnh tranh, hai quốc gia đã có thể thiết lập một khuôn khổ cho việc khám phá không gian nhằm ngăn chặn hoạt động quân sự hóa không gian.

Cuộc chạy đua trong không gian đầy tranh cãi vẫn tiếp tục nhưng trong khuôn khổ các tiêu chuẩn được xây dựng để bảo vệ lợi ích chung.

[Tàu vũ trụ Thường Nga 5 của Trung Quốc trở về Trái Đất]

Đồng thuận bắt đầu rạn nứt sau khi Thỏa thuận Mặt trăng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1979, trong đó các quốc gia tìm cách đưa ra các yêu sách thương mại tư nhân đối với nguồn tài nguyên không gian dưới sự quan sát của một cơ quan quốc tế.

Tuy nhiên, không có các cường quốc vũ trụ nào phê chuẩn thỏa thuận và tính hợp pháp của các đòi hỏi mang tính tư nhân trong hoạt động không gian vẫn không rõ ràng.

Năm 2015, Quốc hội Mỹ đã cấp cho công dân Mỹ quyền sở hữu bất kỳ vật liệu nào họ khai thác được trong không gian, mở ra cánh cửa cho hoạt động thương mại hóa không gian.

Tháng 10/2020, cựu Tổng thống Trump còn đưa vấn đề đi xa hơn bằng cách khởi xướng Hiệp định Artemis, một tập hợp các thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Australia, Canada, Italia, Nhật Bản, Luxembourg, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Anh qua đó đề ra các nguyên tắc cho việc khám phá không gian dân dụng trong tương lai.

Vì sao Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục ganh đua trên Mặt Trăng? ảnh 1Tàu thăm dò Thường Nga 5 bay trên bề mặt Mặt Trăng ngày 3/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trên thực tế, đây là hiệp định mở rộng cách giải thích của Mỹ về luật không gian thương mại bằng cách tuyên bố rằng việc khai thác “vốn dĩ không phải là hành vi chiếm đoạt của quốc gia theo Điều II OST.”

Với các hiệp định này, Mỹ cùng các bên ký kết khác đã tự ý diễn giải một hiệp ước quốc tế và cố gắng xác định các lợi ích thương mại trong tương lai mà không căn cứ vào một hiệp định đa phương.

Không có các tiêu chuẩn quốc tế, các quốc gia có thể tham gia vào một cuộc chạy đua khốc liệt nhằm giành lợi thế cạnh tranh.

Hoạt động thương mại không được kiểm soát có thể gây ra một loạt vấn đề, từ ô nhiễm không gian gây nguy hiểm cho tàu vũ trụ đến các vấn đề liên quan đến sinh học đáng lo ngại.

Hiệp định Artemis cố tình bỏ qua sự tham vấn từ Liên hợp quốc để tránh phải bao gồm Trung Quốc, một lựa chọn hủy hoại mối quan hệ ngoài không gian ngay ở thời điểm các bên rất cần hợp tác để giải quyết các thách thức chung.

Trong lịch sử, Trung Quốc cũng từng bị loại khỏi trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực không gian.

Trung Quốc không phải là một đối tác trong chương trình Trạm Vũ trụ Quốc tế và Hiến pháp Mỹ từ năm 2011 cũng hạn chế khả năng hợp tác của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian.

Nếu Mỹ có thể phối hợp với Liên Xô về chính sách không gian trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thì hiện Mỹ cũng có thể tìm được cách hợp tác với Trung Quốc.

Hai quốc gia có nhiều mâu thuẫn về nhiều vấn đề, từ thương mại, an ninh mạng, quản trị Internet, dân chủ cho tới nhân quyền.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần phải nhận thức được những lĩnh vực hợp tác có lợi nhất cho Mỹ.

Các mối đe dọa toàn cầu như đại dịch và biến đổi khí hậu là những ví dụ rõ ràng nhất của nhận định này, và việc thiết lập các tiêu chuẩn cho hoạt động thương mại trong không gian cũng có ý nghĩa tương tự.

Trước hết, chính quyền mới của Mỹ nên lựa chọn hướng đi khác khỏi các thỏa thuận thời cựu Tổng thống Donald Trump, thay vào đó thúc đẩy các mục tiêu sử dụng không gian một cách hòa bình với sự kiểm soát của một ủy ban Liên hợp quốc.

Tổng thống Biden có thể khôi phục vị thế toàn cầu hợp pháp của Mỹ bằng cách thiết lập một khuôn khổ đa phương, với sự tham vấn của các bên, nhằm bảo vệ những lĩnh vực có lợi ích chung và mang lại cơ hội thương mại với sự đồng thuận quốc tế.

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. 

Nhưng việc cô lập Trung Quốc thậm chí có thể dẫn đến xung đột với Mỹ tại các khu vực như cực Nam của Mặt Trăng, nơi được cho là có các hồ chứa băng quý giá.

Điều kỳ diệu của không gian từng truyền cảm hứng cho các cường quốc đối thủ để họ thúc đẩy hợp tác lợi ích của nhân loại.

Với sự lãnh đạo hiệu quả của Mỹ và Trung Quốc, điều đó có thể xảy ra thêm một lần nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục