Vì sao nhiều trường hợp hàng hóa nhập khẩu 'đội lốt' quà biếu, tặng?

Trong hoạt động thương mại điện tử, hàng hóa được thanh toán qua mạng bằng các loại thẻ thông minh nên người khai hải quan trong nhiều trường hợp không xuất trình được chứng từ.
Vì sao nhiều trường hợp hàng hóa nhập khẩu 'đội lốt' quà biếu, tặng? ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Cơ quan quản lý đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý rủi ro, chống gian lận thương mại vì chưa có quy định riêng cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đây là nội dung vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận trong dự thảo tờ trình "Về phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu."

Khó cả đôi bên

Giải thích về thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay, hoạt động này có 2 hình thức. Một là người mua tại Việt Nam thực hiện đặt hàng sau đó hàng hóa mới được vận chuyển về Việt Nam (hàng nhập khẩu). Ngược lại, người mua tại nước ngoài thực hiện đặt hàng hóa tại Việt Nam sau đó hàng hóa được chuyển ra nước ngoài cho khách hàng (hàng xuất khẩu).

Cách thứ hai là các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử (thường là các chủ sàn giao dịch thương mại điện tử) thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam (hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan). Khi khách hàng đặt hàng, doanh nghiệp sẽ thực hiện giao hàng hóa cho khách hàng tại Việt Nam.

[Chính thức khởi động dự án gần 500 tỷ đồng tạo thuận lợi thương mại]

Tuy nhiên, điểm vướng mắc theo đánh giá là hiện nay, Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với hoạt động trên. Tức là, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như đối với hàng hóa thông thường.

Khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường.

Vấn đề theo Bộ Tài chính là hàng hóa được thanh toán qua mạng bằng các loại thẻ thông minh nên người khai hải quan trong nhiều trường hợp không xuất trình được chứng từ. Trường hợp yêu cầu xuất trình chứng từ thanh toán cần phải qua ngân hàng để xin các thông tin sao kê.

Bởi thế, để tránh thủ tục phức tạp cũng như để hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, nhiều trường hợp người khai hải quan lại khai báo là quà biếu, quà tặng thay vì khai báo việc giao dịch bằng thương mại điện tử.

Ngoài ra, theo quy định của một số cơ quan quản lý chuyên ngành, việc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm... không áp dụng với trường hợp hàng hóa giao dịch thương mại điện tử, nhập khẩu với mục đích sử dụng cho cá nhân.

"Khi cá nhân xin giấy phép thì các cơ quan quản lý chuyên ngành trả lời không cấp phép điều này gây khó khăn cho cơ quan hải quan và người nhập khẩu," phía Bộ Tài chính lên tiếng.

Chưa kể, một số cá nhân mua số lượng nhỏ sẽ không thể có được các giấy tờ để nộp cho cơ quan quản lý chuyên ngành.

Một vấn đề khác là do không có các quy định riêng cho hoạt động trên nên cơ quan hải quan hiện nay cũng không thể có số liệu thống kê chính xác liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Cần một nghị định riêng

Nói về kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính đánh giá, mỗi quốc gia có các biện pháp khác nhau trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ví dụ, Nhật Bản không phân biệt việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi đó Hàn Quốc lại chú trọng thông quan nhanh hàng hóa được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Hàn Quốc đánh giá hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử đa số là sản phẩm cá nhân, trị giá nhỏ và được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Trung Quốc thì có thêm các chính sách ưu đãi về việc kiểm tra chuyên ngành với hoạt động trên như thủ tục đơn giản, thời gian rút ngắn, một số sản phẩm không phải dán nhãn phụ.

Riêng với Việt Nam, Bộ Tài chính khẳng định: Việt Nam cần thiết phải có các quy định riêng cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để đảm bảo việc quản lý của nhà nước và tạo khung pháp lý.

Qua đó, để quản lý và tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải xây dựng một nghị định về quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cơ quan này nêu quan điểm, cần xây dựng một hệ thống nhằm quản lý được hoạt động thương mại điện tử. "Do các giao dịch được thực hiện thông quan hệ thống, phần mềm, nền tảng công nghệ,... nên để quản lý được hoạt động này, các cơ quan quản lý cũng cần phải có hệ thống phù hợp với sự phát triển của thời kỳ phát triển công nghiệp lần thứ tư," Bộ Tài chính góp ý.

Một đề xuất khác của Bộ Tài chính là cần có quy định về việc miễn kiểm tra chuyên ngành, cấp giấy phép với trường hợp như: Có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống. Hoặc, trường hợp hàng hóa có trị giá hải quan trên 1 triệu đồng nhưng trong danh mục được miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Mặt khác, Bộ Tài chính nêu đề xuất cần có quy định về việc giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử phải được cập nhật trên hệ thống xử lý chậm nhất 2 giờ làm việc sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục