Mặc dù chất lượng tín dụng đã được cải thiện, nợ xấu giảm xuống dưới 3% về ngưỡng cho phép theo thông lệ quốc tế nhưng việc xử lý nợ xấu và tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng vẫn phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.
Cụ thể, thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 02 ngày 23/2/2016 về tăng cường bảo đảm an toàn và tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; Kiểm soát, bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ).
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016, gửi ngân hàng nhà nước trước ngày 28/4.
Hiện nay, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm, một phần nợ được bán cho VAMC làm sạch bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng, một phần để tiếp tục bơm vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, nợ xấu mà VAMC đưa về vẫn “tắc” trong việc xử lý. Do đó, hơn bao giờ hết, ngành ngân hàng không được lơ là dù nợ xấu đã giảm về ngưỡng an toàn./.