[Video] Về chốn cố đô xưa nghe tâm sự của người nghệ nhân làm mõ

Trong nét văn hóa của người dân xứ Huế, tiếng mõ có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Bởi lẽ, Phật giáo bao đời nay vẫn được xem như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tại mảnh đất này.

Huế được nhiều người xem là trung tâm Phật giáo tại miền Trung Việt Nam. Người Huế khi sinh ra là đã quen với tiếng chuông, tiếng mõ chùa và câu kinh, tiếng kệ. Những âm thanh đó như đưa lòng người về với chốn Thiền môn, hòa theo tiếng kinh nhịp mõ, giúp người ta có thể xua tan đi bao muộn phiền của trần thế.

Bởi thế, chuông và mõ được xem như là các loại pháp khí của đạo Phật và khi hai âm thanh đó hòa với nhau tạo ra tổ hợp âm thanh đặc trưng, tác động tích cực tới tinh thần tín ngưỡng của người dân xứ Huế.

[Lễ hội Điện Huệ Nam - Festival văn hóa dân gian của vùng đất Cố đô Huế]

Nghề làm mõ nhìn qua tưởng đơn giản nhưng kỳ thực rất khó, bởi nó có những bí quyết, ngón nghề riêng. Để làm được một chiếc mõ có dáng đẹp và âm hay, người thợ phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn gỗ, đục thô tạo dáng, chạm trổ, sơn sấy... và quan trọng nhất là khâu tạo âm thanh - đây được xem là bí quyết riêng của mỗi nghệ nhân và mỗi gia đình.

Mõ cũng chẳng phải là thứ đồ dùng đắt khách, dễ mua hay dễ dùng, cũng như sản xuất đại trà theo kiểu công nghiệp như những mặt hàng khác. Và thực tế, chẳng mấy người có thể đủ tâm sức để theo nghề làm mõ. Thế nên, chỉ có thể là yêu tiếng mõ ấy lắm người ta mới gắn cuộc đời mình với việc làm ra những chiếc mõ.

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhưng Huế thật sự tỏa sáng cùng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể do con người tạo nên. Nơi đây là xứ hội tụ tinh hoa văn hóa, làm nên một tinh thần, một sắc thái rất riêng của Huế mà không thể tìm thấy ở bất cứ thành phố nào khác./.

(Vietnam+)