Ngày 8/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Tham dự Hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học...
Đề xuất nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách
Năm 2021, dự báo tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Đây cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên cả nước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Trong thời gian tới, Viện xác định hướng trọng tâm, nâng cao chất lượng và bảo đảm hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn chính sách; chú trọng nghiên cứu, kết hợp với tư vấn chính sách và đào tạo.
Viện chủ động đề xuất các hướng nghiên cứu mới có tính chiến lược gắn với các yêu cầu phát triển của đất nước cũng như tình hình thế giới và khu vực nhằm kịp thời đề xuất với Đảng, Nhà nước, những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế; xây dựng luận cứ khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học, Viện tiếp tục đổi mới theo hướng điện tử hóa, số hóa, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; tăng cường công bố quốc tế dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học; nâng cao chất lượng và uy tín trong hoạt động đào tạo trên tất cả các mã ngành được giao; bồi dưỡng cán bộ và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Viện cần có chính sách thích hợp trong trong thu hút nhân tài, xây dựng phát triển nhóm chuyên gia trên một số lĩnh vực nghiên cứu.
[Đánh giá tác động kinh tế-xã hội của dịch COVID-19 tại Việt Nam]
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục hợp tác nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đặt ra trong đời sống xã hội và phát triển đất nước, trong bối cảnh quốc tế mới, nhất là những tác động của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam.
Viện tiếp tục phối hợp nhiều hơn với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế trên các cấp độ song phương và đa phương. Viện chú trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược về khoa học xã hội, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyên ngành trên cơ sở bám sát đề án quy hoạch tổng thể của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Liên quan đến kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn tăng cường hợp tác nâng cao chất lượng và bảo đảm hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, tư vấn chính sách, chú trọng nghiên cứu cơ bản, kết hợp với tư vấn chính sách và đào tạo…; tập trung huy động mọi nguồn lực, triển khai các công trình, đề tài trọng điểm cấp nhà nước, đề tài trọng điểm cấp bộ đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; đa dạng hóa các nguồn lực phát triển khoa học xã hội và nhân văn liên kết nghiên cứu với các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ghi dấu những đổi mới mang tính đột phá
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, năm 2020, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Viện đã ưu tiên những nhiệm vụ cấp bách, tập trung triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ hướng tới những mục tiêu chiến lược, dài hạn. Phương thức chỉ đạo, điều hành đã được điều chỉnh theo hướng sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm nhưng linh hoạt, thiết thực, hạn chế hội họp, giảm thiểu văn bản hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thích ứng với “trạng thái bình thường mới."
Các nhà khoa học của Viện đã tích cực tham gia nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, sửa đổi 2011); tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến cho Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trên cơ sở các nghiên cứu, tọa đàm chuyên đề, Viện chắt lọc đề xuất những giải pháp thiết thực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy tiến độ của các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đề án “Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam” được điều phối, triển khai đúng tiến độ. Tính đến tháng 12/2020, các hợp phần của Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa” đã xong phần khai quật và đang tập trung phân loại, chỉnh lý di vật, hệ thống hóa tư liệu, lấp hố bảo tồn… và đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành rà soát hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán, đánh giá tiến độ.
Cùng với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện triển khai chương trình “Khoa học và công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030."
Viện phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện giai đoạn 2 chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên."
Cụm đề tài thuộc Chương trình cấp quốc gia “Những vấn đề cấp bách để bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế” đã có 4 đề tài đang hoàn thiện để nghiệm thu, 1 đề tài đang trong giai đoạn điền dã.
Năm 2020, ngoài các nhiệm vụ cấp bộ đang được thực hiện, Viện chủ động đề xuất mở mới 3 chương trình trọng điểm cấp bộ thực hiện giai đoạn 2021-2025, liên quan đến vùng biên giới đất liền, biến đổi xã hội và cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn mới./.