''Việt Nam bổ sung cho các nền kinh tế khác trong ASEAN''

Theo chuyên gia kinh tế Hoe Ee Khor, Việt Nam có thể thu hút các ngành cần nhiều lao động từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN 5 và sử dụng lực đòn bẩy đó để tham gia mạng lưới sản xuất khu vực.
Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Năm 2020 là tròn 25 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Singapore đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3, về những thành tựu kinh tế nổi bật, những đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển kinh tế chung của khu vực trong 25 năm qua, cũng như những cơ hội và thách thức mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

- 2020 là tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ông có thể cho biết những thành tựu kinh tế nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong 25 năm hội nhập vào ASEAN?

Tiến sỹ Hoe Ee Khor: Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành một số cải cách kinh tế và làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế của mình với phần còn lại của thế giới.

Một trong những sự kiện có ý nghĩa then chốt là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Sự kiện này đem lại kết quả là làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ khoảng 3 tỷ USD năm 1995 lên 20 tỷ USD vào năm 2019.

Việt Nam đã sử dụng thành công lực đòn bẩy của dòng đầu tư này vào các động cơ xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử, giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực, trung bình khoảng 6,3% trong 10 năm qua.

Kết quả là thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp gần 10 lần từ khoảng 277 USD năm 1995 lên 2.715 USD vào năm 2019, và giờ đây là một trong những nền kinh tế lớn nhất của ASEAN.

Những thành tưu kinh tế ấn tượng của Việt Nam có được từ những nỗ lực của các nhà chức trách nhằm bãi bỏ các quy định và giảm bớt phí kinh doanh trong vài thập kỷ qua. Đồng thời, sự tái bố trí tài sản các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã đem lại hiệu quả lớn hơn và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước vào nền kinh tế, điển hình là các công ty lớn của Việt Nam như Vingroup và Vietjet Air.

Ngoài phát triển kinh tế, Việt Nam đã tăng cường mạng lưới an sinh xã hội thông qua những sự cải thiện về hệ thống lương hưu và y tế.

Khảo sát gần đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về lương hưu của 47 quốc gia cho thấy trong khi diện bao phủ của hệ thống lương của Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhưng lợi ích lương hưu tương đối cao, 75% mức lương trong thời gian đi làm.

Từ năm 2002 đến 2018, hơn 45 triệu người đã thoát nghèo, với tỷ lệ nghèo đói giảm từ hơn 70% xuống dưới 6% và sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu.

''Việt Nam bổ sung cho các nền kinh tế khác trong ASEAN'' ảnh 1Tiến sỹ Hoe Ee Khor.

- Theo ông, Việt Nam đã có những đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế chung của khu vực trong 25 năm qua?

Tiến sỹ Hoe Ee Khor: Trong 25 năm qua, Việt Nam đã ngày càng hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Lĩnh vực chế tạo sản xuất của Việt Nam đã trở thành một phần then chốt trong chuỗi giá trị khu vực, đặc biệt là lĩnh vực điện tử. Sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực đã tăng từ 26,4% năm 2005 lên 33,9% năm 2015.

Hơn nữa, đối với các công ty từ các nền kinh tế khác trong khu vực, tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh và mức thu nhập tăng đã làm cho Việt Nam trở thành điểm đến có ý nghĩa cho nhu cầu cuối cùng đối với hàng hóa và dịch vụ.

[Việt Nam có thể là hình mẫu hoàn hảo phục hồi sau dịch ở Nam bán cầu]

Cuối cùng, tư cách thành viên của Việt Nam trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đề xuất làm nổi bật vai trò của Việt Nam trong cộng đồng khu vực trong việc hỗ trợ sự thịnh vượng chung thông qua dòng hàng hóa và dịch vụ.

Nền kinh tế Việt Nam bổ sung cho các nền kinh tế khác. Việt Nam có thể thu hút các ngành cần nhiều lao động từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN 5 (Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và sử dụng lực đòn bẩy đó để tham gia mạng lưới sản xuất khu vực.

Từ đó, Việt Nam đã và đang tiến lên chuỗi giá trị và gia tăng sức mạnh công nghiệp với xuất khẩu tương đương khoảng 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam cũng rất thành công trong phát triển lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

- Trong nửa đầu năm 2020, khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung đã trải qua biến động lớn do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Vậy những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Tiến sỹ Hoe Ee Khor: Một trong những thách thức trước mắt là mức độ tác động của đại dịch COVID-19 đối với nhu cầu bên ngoài. Trong khi nhu cầu trong nước có thể sớm tăng trở lại với việc Việt Nam dần nới lỏng những hạn chế đi lại, sự phục hồi vẫn dễ bị tổn thương do rủi ro của làn sóng lây nhiễm thứ hai, theo đó lĩnh vực dịch vụ là đặc biệt dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là đối với các lĩnh vực không phải điện-điện tử, có khả năng sẽ mất thời gian dài hơn để phục hồi. Triển vọng này ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực xuất khẩu.

Ngoài ra, sự gián đoạn về chuỗi cung ứng gây trở ngại cho sự phục hồi nguồn cung. Đồng thời, sự bất trắc trong giai đoạn chu kỳ công nghệ toàn cầu tạo ra một nhân tố rủi ro khác.

Một trong những rủi ro cần theo dõi chặt chẽ là sự bất trắc trên thị trường tài chính toàn cầu dẫn tới tăng biến động của dòng vốn, mặc dù Việt Nam có thể ít bị ảnh hưởng hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực nhờ vào sự hạn chế tiếp cận danh mục đầu tư từ các nhà đầu tư ở nước ngoài so với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Cuối cùng, một trong những sự dễ bị tổn thương chính đối với lĩnh vực tài chính là tác động của đại dịch đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng. Bất chấp nỗ lực của các ngân hàng trong việc tái cấu trúc các khoản cho vay và giảm lãi suất và phí, chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng vẫn có khả năng sẽ xấu đi và làm giảm vốn dự phòng đã tương đối thấp của nó.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có một số cơ hội để thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của mình. Lao động có tính cạnh tranh, khả năng dễ tiếp cận với các thị trường then chốt của khu vực và toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do và sự đối xử ưu đãi của chính phủ đối với các công ty nước ngoài trên nhiều khía cạnh khác nhau từ những chính sách khuyến khích về thuế đến quyền sử dụng đất đai đã làm cho Việt Nam trở nên rất hấp dẫn để đầu tư.

Giữa những ảnh hưởng về chuỗi cung ứng do những căng thẳng thương mại trên toàn cầu và đại dịch, các công ty đa quốc gia đang chuyển hoặc cùng đặt các cơ sở sản xuất của họ ở Việt Nam.

Hơn nữa, số lượng các hiệp định thương mại tự do ngày càng tăng của Việt Nam, gần đây nhất là FTA Việt Nam-EU, có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa hướng đi của mình trước những biến động về nhu cầu bên ngoài.

Cuối cùng, việc Việt Nam xử lý tương đối thành công đại dịch COVID-19 có thể đem lại nền tảng cho việc gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư nước ngoài để đi đầu trong quá trình phục hồi kinh tế khi nền kinh tế toàn cầu bước vào môi trường hậu đại dịch.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục