Ngày 29/11, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2014, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ công bố, bà Victoria Kwa kwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Giáo dục đã đóng một vai trò quan trọng trong thành công về phát triển của Việt Nam trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ nghèo đã giảm rất ấn tượng và giáo dục đã đóng vai trò thúc đẩy phát triển.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung nâng cao năng suất của lực lượng lao động nhằm đáp ứng những yêu cầu mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp và hiện đại.
Mặc dù quy mô lực lượng lao động vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng dân số trẻ của Việt Nam đang giảm, điều đó có nghĩa là Việt Nam không thể chỉ dựa vào quy mô của lực lượng lao động để tiếp tục thành công, mà còn phải tập trung nỗ lực trang bị những kỹ năng mới cho lực lượng lao động. Lực lượng lao động có kỹ năng cao sẽ là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế.
Ông Christian Bodewig, chuyên gia Kinh tế Trưởng (Ngân hàng Thế giới), tác giả chính của Báo cáo cho biết phần lớn lực lượng lao động có khả năng đọc và viết, nhưng thách thức hiện nay của Việt Nam là làm sao để các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đồng thời cũng trở thành những người có tư duy phản biện và biết cách giải quyết vấn đề trên thực tế. Những người được trang bị đầy đủ để lĩnh hội các kỹ năng, kỹ thuật từ các trường đại học, trường dạy nghề và trong suốt thời gian làm việc sau này.
Cũng theo ông Christian Bodewig, thay vì lập kế hoạch quản lý hệ thống giáo dục và đào tạo một cách tập trung và mệnh lệnh từ trên xuống, Chính phủ Việt Nam nên đóng vai trò hỗ trợ để đảm bảo luồng trao đổi thông tin tốt hơn giữa người sử dụng lao động với các cơ sở giáo dục, trường đại học và học sinh.
Việc chuẩn bị lực lượng lao động cho một nền kinh tế công nghiệp không phải chỉ là trách nhiệm của riêng Chính phủ mà còn đòi hỏi sự thay đổi của tất cả các tác nhân tham gia vào hoạt động phát triển kỹ năng như người sử dụng lao động, các trường đại học và cơ sở đào tạo sinh viên cũng như phụ huynh học sinh.
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 cũng nhận định, nền giáo dục Việt Nam có truyền thống thành tích rất tốt trong việc cung cấp các kỹ năng đọc, viết và tính toán cơ bản. Nhưng nền giáo dục đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn về việc đào tạo các kỹ năng tiên tiến theo yêu cầu ngày càng gia tăng trong thời gian tới.
Báo cáo đã đề xuất một kế hoạch gồm ba bước để thực thi chiến lược tổng thể về kỹ năng, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non; xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông; phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn giữa người sử dụng lao động với sinh viên, các trường đại học và các trường dạy nghề./.