Trong giai đoạn 2018-2022, chi tiêu cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn chiếm tỷ trọng khiêm tốn khoảng 0,18-0,23% chi tiêu của Chính phủ về an sinh xã hội. Do đó, các chuyên gia UNICEF khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng tăng cường giảm sát, thực hiện Luật trẻ em, ưu tiên đảm bảo nguồn lực tài chính công đầy đủ, công bằng ở cả cấp trung ương và cấp tỉnh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ trong những năm đầu đời.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.
Chênh lệch lớn về tỷ lệ suy dinh dưỡng
Theo UNICEF, những năm đầu đời là "giai đoạn vàng" trong cuộc đời của trẻ em, tạo nền tảng cho quá trình học tập và phát triển sau này. Nghiên cứu về thần kinh cho thấy 90% các kết nối thần kinh trong não sẽ diễn ra tới khi trẻ lên 6, trong đó 1.000 ngày đầu tiên (khoảng 3 năm đầu) sẽ là lúc mà não bộ phát triển nhanh nhất.
Sự phát triển toàn diện của trẻ thơ về dinh dưỡng, giáo dục, phòng chống tai nạn thương tích... trong những năm đầu đời rất quan trọng với tất cả trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức để thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em dưới 6 tuổi.
[Tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện]
Theo số liệu của UNICEF, cứ trong 2 trẻ từ 0-5 tháng tuổi thì có hơn 1 trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, hơn một nửa số trẻ em từ 6-23 tháng tuổi (54,6%) không có chế độ ăn tối thiểu đạt yêu cầu. Tỷ lệ này còn cao hơn nhiều ở một số nhóm dân tộc thiểu số tham gia điều tra (93% ở trẻ em dân tộc Mông và 81% ở trẻ em dân tộc Khmer).
Hàng năm, hơn 200.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Điều đáng lo ngại hơn là 90% số trẻ em này không nhận được dịch vụ điều trị.
Về giáo dục cũng có sự chênh lệch giữa các khu vực, các dân tộc, chỉ có 37,8% trẻ em Khmer và 47,6% trẻ em ở Đồng bằng sông Cửu Long được đi học mầm non, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em người Kinh là 80,2%. Số trẻ em tuổi từ 2-4 trên toàn quốc không đạt chỉ số phát triển trẻ thơ toàn diện là 22%. Trong số trẻ từ 2-4 tuổi có tham gia giáo dục sớm, 21% trẻ không đạt mức phát triển, còn tỷ lệ này ở nhóm không tham gia giáo dục sớm là 36%.
Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết so với giai đoạn trước, tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm nhiều, nhưng không đồng đều. Tại khu vực miền núi, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ suất tử vong trẻ em cao gấp 3-4 lần khu vực đồng bằng.
Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính nặng còn phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn, cần được can thiệp kịp thời với những sản phẩm đặc thù nhưng hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, điều kiện để mọi trẻ em có cơ hội công bằng trong tiếp cận với giáo dục mầm non dưới 5 tuổi cũng chưa được bảo đảm. Một số nhóm trẻ em điều kiện khó khăn như trẻ em con công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất; trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trẻ em di cư theo bố mẹ... bị hạn chế về cơ hội học tập, còn thiếu chính sách hỗ trợ cần thiết.
Tận dụng nguồn bảo hiểm y tế
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho trẻ em những chính sách ưu tiên, tạo điều kiện để trẻ em phát triển một cách toàn diện. Phát triển toàn diện trẻ em luôn là giải pháp nền tảng, quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước trong tương lai.
Ông Hạ cho biết hệ thống pháp luật, chính sách của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện cả về trí, thể, mỹ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, tạo điều kiện phát triển cho trẻ em trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận, tuy nhiên trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu…
Ở góc độ quốc tế, bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam đã chỉ ra những khó khăn trong công tác phát triển toàn diện cho trẻ em, đó là Việt Nam chưa đạt được tiến độ trong Chỉ số phát triển trẻ thơ theo Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 4. Chỉ số phát triển trẻ thơ năm 2020 là 78,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 99,1% vào năm 2025 và 99,3% vào năm 2030. Như vậy, Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đảo ngược tình hình và đạt được các mục tiêu này.
Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, bà Lesley Miller cho rằng Việt Nam cần rà soát việc thực hiện Đề án Quốc gia về Phát triển trẻ thơ toàn diện và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tới năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới 2026-2030 phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam cần cải thiện hệ thống dữ liệu với các chỉ số thiết yếu về sự phát triển của trẻ nhỏ để theo dõi tiến trình và cung cấp thông tin cho việc hoạch định và thực hiện chính sách; tăng cường cơ cấu điều phối ở tất cả các cấp để cải thiện sự tích hợp các dịch vụ.
Đối với vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ, bà Lesley Miller khuyến nghị Chính phủ cần xác định các cơ chế nguồn tài chính bền vững để đảm bảo tất cả trẻ em mắc suy dinh dưỡng cấp tính nặng đều được điều trị theo tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm cả việc tận dụng nguồn bảo hiểm y tế theo Luật Bảo Hiểm Y tế khi sửa đổi./.